Các nhà khoa học của hải quân Mỹ muốn tìm hiểu khả năng “hát to” của ve để tạo ra những ứng dụng hữu ích.
>>> Hàng tỉ con ve sầu sẽ "tấn công" nước Mỹ
Giới khoa học đã chú ý tới ve sầu Magicicada ở vùng duyên hải phía đông nước Mỹ từ lâu, bởi có lẽ chúng là nhóm có "tuổi ấu thơ" dài nhất trong thế giới côn trùng. Chúng cần từ 13 tới 17 năm để trưởng thành. Trong phần lớn thời gian của cuộc đời, ve Magicicada sống dưới đất. Khi tới tuổi trưởng thành, chúng chui lên mặt đất trong vài tuần để giao phối, sinh sản và chết. Bản "tình ca" đinh tai nhức óc của ve sầu đực khiến người ta không thể quên sự hiện diện ngắn ngủi của chúng trên mặt đất.
Một con ve sầu Magicicada. (Ảnh: greatwinenews.com)
Thân hình của ve sầu rất nhỏ nhưng tiếng kêu của chúng rất to. Các nhà khoa học khẳng định tiếng kêu của ve sầu đực có thể đạt tới 100 decibel. Ve sầu đực tạo ra âm thanh bằng cách rung hai màng mỏng trong bộ xương ngoài. Màng phát triển từ lồng ngực. Khi ve co giãn mạnh các vòng sườn, màng mỏng rung động và tạo nên âm thanh. Bụng ve rỗng nên nó có thể khuếch đại âm thanh, tạo thành tiếng kêu rất to. Chúng lắc thân và rung cánh để tạo nhịp cho các "bài hát".
Derke Hughes, một nhà nghiên cứu của hải quân Mỹ, nói rằng màng mỏng của ve sầu rung 300 tới 400 lần mỗi giây, Livescience đưa tin.
"Chúng ta đã biết cách tạo ra tiếng kêu của ve sầu, song bắt chước chúng là một thách thức lớn", Hughes thừa nhận.
Nhóm của Hughes đang chế tạo một mô hình vật lý để mô tả chính xác quá trình tạo ra tiếng kêu của ve sầu Magicicada. Mô hình đó có thể giúp các chuyên gia tìm ra bí quyết tạo nên âm thanh lớn nhưng chỉ tiêu tốn ít năng lượng. Bí quyết này sẽ giúp họ tăng cường chất lượng của những thiết bị dành cho việc dò tìm vật thể dưới nước, liên lạc giữa các tàu hay cứu hộ trên biển.