Các nhà thiên văn học quan sát được một tinh vân khác thường, có thể giúp xác định số phận Mặt trời trong tương lai xa xôi.
Nhóm các nhà thiên văn học ở Viện Vật lý thiên văn ở Andalucia (Tây Ban Nha) dưới sự dẫn dắt của Martin Guerrero đã phát hiện một tinh vân “giống như vừa mới ra đời”. Những khu vực bên ngoài tinh vân này trông như bên trong và ngược lại.
Càng gần ngôi sao, các nguyên tử càng ít bị ion hóa.
Đối tượng khác thường này được biết đến như là tinh vân hành tinh (còn gọi là đám mây hành tinh), không có liên quan gì với các hành tinh. Trái lại, nó là đối tượng được giải phóng khi mà ngôi sao biến đổi từ sao đỏ khổng lồ thành sao lùn trắng và ném đi các lớp ngoài. Khi điều đó diễn ra, ngôi sao trở nên ngày càng nóng và ion hóa vật chất ở lân cận.
Tuy nhiên, tình trạng trong tinh vân HuBi 1 (cách Trái đất 17.000 năm ánh sáng) lại ngược lại. Càng gần ngôi sao, các nguyên tử càng ít bị ion hóa. “Mọi người đều nghĩ rằng, điều đó là bất khả thi. Khi đó, chúng ta biết rằng chúng ta đã bắt gặp HuBi 1 đúng vào thời điểm khi mà ngôi sao trung tâm đi qua giai đoạn “tái sinh” ngắn ngủi, để trở thành ngôi sao giàu kim loại” – TS Xuan Fang, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Tại sao lại như vậy? Các nhà khoa học cho rằng ngôi sao “quay trở về cuộc sống” quá muộn và lại tiếp tục ném ra vật chất. Điều này tạo ra đợt sóng carbon, gây ra chấn động trong các nguyên tử tại các khu vực bên ngoài tinh vân. Bởi vì ngôi sao nhanh chóng tối sẫm, nên nó không thể ion hóa vật chất ở gần, dẫn đến hình thành “tinh vân đảo ngược”.
Các nhà thiên văn học cho rằng, lúc đầu, ngôi sao này có khối lượng lớn hơn khối lượng Mặt trời 1,1 lần. Điều đó có nghĩa là sau khoảng 5 tỷ năm nữa, khi Mặt trời trở thành sao khổng lồ đỏ, nó có thể trải qua quá trình tương tự.