Có thể nói Trái đất đang trong cuộc khủng hoảng rác thải, khi đa số các quốc gia đều rơi vào tình trạng quá tải rác - đặc biệt là rác nhựa. Mỗi năm, con người thải ra hàng triệu tấn rác nhựa, và rất nhiều trong số đó tràn ra các đại dương.
Có rất nhiều vấn đề liên quan đến rác thải nhựa. Nổi bật nhất là số rác nhựa dùng một lần thì ngày một tăng lên, và chúng lại cần đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn năm để có thể phân hủy. Nhưng quan trọng nhất là đời sống con người đã trở nên quá phụ thuộc vào nhựa - như trường hợp của cốc nhựa và màng nylon bọc thực phẩm chẳng hạn.
Dù vậy, chúng ta vẫn có hy vọng. Và câu trả lời chính là thứ này.
Màng bọc này được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu hữu cơ.
Nhìn giống một tờ nylon bình thường đúng không? Nhưng đó lại là sản phẩm của Viện công nghệ Georgia (Mỹ). Họ đã tạo ra một sản phẩm màng bọc thực phẩm mới, thay thế cho loại truyền thống bằng nhựa và nylon bình thường.
Điểm ưu việt của loại màng bọc này là nó được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu hữu cơ - mà cụ thể là chitin (hay kitin) - thành phần chính trong vỏ của các loài giáp xác; và sợi cellulose trong gỗ. Họ sẽ xịt các thành phần này lên một lớp acid polylactic (PLA), vốn cũng được sản xuất từ ngô và sắn.
Cấu tạo hoàn toàn từ các thành phần hữu cơ nên dĩ nhiên là loại màng bọc này có tốc độ phân hủy nhanh hơn nylon truyền thống rất nhiều.
Về chức năng, nhóm nghiên cứu cho biết sản phẩm của họ không chỉ có hiệu quả tương đương với nylon, mà một số chức năng còn tỏ ra ưu việt hơn.
"Chúng tôi so sánh nó với chất liệu nhựa PET (polyethylene terephthalate) - loại nhựa phổ biến nhất trên thị trường hiện nay" - J. Carson Meredith, tác giả nghiên cứu cho biết.
"Chất liệu của chúng tôi cho lượng oxy thẩm thấu qua màng thấp hơn 67% so với PET, có nghĩa rằng nó có thể giúp thức ăn tươi lâu hơn".
Theo giáo sư Meredith, ông và các cộng sự đã nghiên cứu chất liệu chitin của cua trong một dự án khác, và nhận ra nó có tiềm năng phát triển thành một loại màng bọc thực phẩm.
Chitin - hay kitin là thành phần chính có trong vỏ cua.
"Chúng tôi nhận thấy các sợi chitin nano có điện tích dương, trong khi tinh thể cellulose có điện tích âm. Nếu kết hợp, chúng có thể trở thành một lớp phủ rất chặt chẽ lên bất kỳ thứ gì" - Meredith chia sẻ.
"Các phân tử khí rất khó có thể xuyên qua cấu trúc tinh thể, vì chúng sẽ phải phá hủy cấu trúc đó" - Meredith giải thích. "Các sản phẩm nhựa thông thường như PET vốn có cấu trúc phi tinh thể, nên các phân tử khí cỡ nhỏ sẽ lọt qua mà không mấy khó khăn".
Dù vậy, đây vẫn là một sản phẩm chưa được hoàn thiện. Meredith cho biết nó vẫn để hơi nước lọt qua, nên chưa thể công bố rộng rãi được.
Nhưng họ đang nhanh chóng cải tiến nó, nhằm cung cấp cho thị trường một giải pháp an toàn và thân thiện với môi trường hơn so với màng bọc bằng nylon truyền thống.