Trong những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới, rượu bia là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn có thể dẫn đến mất kiểm soát hành vi, gây tai nạn và các vấn đề lâu dài về sức khỏe.
Cách sử dụng rượu bia an toàn ngày Tết
- 1. Nắm rõ giới hạn của bản thân và xác định điểm dừng
- 2. Ăn trước và trong khi uống rượu bia
- 3. Kiểm soát số lượng
- 4. Giảm lượng cồn bằng các đồ uống không chứa cồn
- 5. Không tham gia trò chơi, thách đố uống rượu bia
- 6. Đã uống rượu bia thì không lái xe
- 7. Hãy từ chối nếu bạn…
- 8. Không tiếp xúc môi trường lạnh sau khi uống rượu
Dưới đây là 8 nguyên tắc bạn cần phải tuân thủ khi sử dụng rượu bia nói riêng hay đồ uống có cồn nói chung trong dịp Tết để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như những người xung quanh.
1. Nắm rõ giới hạn của bản thân và xác định điểm dừng
Theo Bộ Y tế Úc, sử dụng đồ uống có cồn với liều lượng thích hợp cũng là một cách sống lành mạnh, miễn là bạn hiểu rõ tác động của nó đến cơ thể. Bộ Y tế Úc khuyến cáo người trưởng thành khỏe mạnh không nên uống quá 10 ly tiêu chuẩn mỗi tuần và không quá 4 ly tiêu chuẩn trong một ngày để giảm nguy cơ mắc các thương tổn suốt đời do tác động từ đồ uống có cồn.
Mỗi ly tiêu chuẩn chứa 10g cồn tinh khiết, tương đương 260ml bia có nồng độ cồn 4,8%. Đây là lượng cồn mà cơ thể người có thể xử lý trong 1 giờ. Tổng lượng cồn mà bạn có thể hấp thụ phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng, giới tính và trạng thái tinh thần của bạn.
Nếu bạn không ăn gì trước khi uống rượu bia, cồn sẽ đi vào máu nhanh hơn.
Uống quá mức chịu đựng của cơ thể có thể khiến bạn gặp tai nạn hoặc bị thương do say xỉn. Thường xuyên uống nhiều rượu bia cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như đau tim, ung thư, suy gan, tổn thương não và các bệnh về tâm thần.
2. Ăn trước và trong khi uống rượu bia
Cồn được hấp thụ bởi dạ dày và ruột non rồi đi vào máu. Nếu bạn không ăn gì trước khi uống rượu bia, cồn sẽ đi vào máu nhanh hơn.
Vì vậy, bạn nên ăn trước khi uống và ngay cả trong khi uống. Một số điều bạn cần lưu ý như:
- Uống nhiều nước.
- Không trộn rượu bia với đồ uống có đường hoặc nước tăng lực.
- Tránh ăn những món nhiều muối vì chúng sẽ khiến bạn nhanh khát nước và uống nhiều hơn.
Những người gầy yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ, người mắc bệnh tim mạch, thận, bệnh về hô hấp... không nên sử dụng rượu bia. Nếu buộc phải uống, nên uống ít nhất có thể và nên uống sau khi ăn.
Không tự ý ngâm rượu khi không biết rõ thành phần.
Khi có biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, cần tới các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
3. Kiểm soát số lượng
PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, cho biết mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần.
Không nên pha rượu với bia và các chất kích thích bởi chúng gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao.
Bạn rất dễ sa ngã khi sử dụng rượu bia và uống nhiều hơn mức bạn nghĩ. Một ly tiêu chuẩn tương đương khoảng 1 lon/chai bia có nồng độ cồn 3,8% (đa số các loại bia lon/chai trên thị trường hiện nay có nồng độ cồn từ 4 – 5,5%), 100ml rượu nhẹ hoặc 30ml rượu mạnh. Các loại thức uống pha chế có chứa cồn được phục vụ ở các nhà hàng, vũ trường, quán bar… thường có nồng độ cồn cao hơn 1 ly tiêu chuẩn.
Hãy đặt giới hạn cho bản thân và tuân thủ nó. Tránh việc "lên đều" đồ uống, đặc biệt là khi bạn của bạn có tửu lượng cao hơn. Hãy cố gắng uống hết trước khi gọi thêm thay vì "chồng lon" trên bàn.
4. Giảm lượng cồn bằng các đồ uống không chứa cồn
Mức nồng độ cồn trong máu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể của bạn. Nồng độ cồn trong máu càng cao, thì nguy cơ bạn gặp tại nạn càng lớn.
Bạn uống càng nhanh thì nồng độ cồn trong máu càng cao.
Mỗi giờ, cơ thể của chúng ta chỉ có thể xử lý 10g cồn. Nói cách khác, trong 1 tiếng đồng hồ, lượng cồn mà cơ thể của bạn có thể "gánh vác" chưa đến 1 lon bia. Bạn uống càng nhanh thì nồng độ cồn trong máu càng cao.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên uống chậm và giảm lượng cồn hấp thụ bằng cách:
- Uống thêm các loại đồ uống không chứa cồn.
- Uống nước lọc để giảm độ khát trước khi uống rượu bia.
- Chọn các loại đồ uống có nồng độ cồn thấp.
- Nên nhấp từng ngụm thay vì "nốc một hơi".
5. Không tham gia trò chơi, thách đố uống rượu bia
Khi bạn sa đà vào cuộc vui và bắt đầu say, nguy cơ bạn gặp nguy hiểm, bị thương hay thậm chí là ngộ độc cồn càng cao.
Hãy cố gắng tránh xa những trò chơi, những lời thách đố… mà mục đích cuối cùng là để những người tham gia uống càng nhiều, say càng nhanh càng tốt. Thay vào đó, bạn có thể nhảy múa, hát hò hoặc trò chuyện về một bộ phim hay chương trình giải trí nào đó.
Lưu ý, bạn không nên trộn rượu bia cùng với nước tăng lực vì nó sẽ tạo cảm giác dễ uống và bạn sẽ uống nhiều hơn. Đồng thời, bạn phải đặc biệt cẩn thận khi uống rượu bia trong thời gian uống thuốc hay đang điều trị bệnh.
6. Đã uống rượu bia thì không lái xe
Hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị nghiêm cấm theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020). Đồng thời, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe cao nhất là phạt tiền 40 triệu đồng đối với xe ô tô, phạt tiền 8 triệu đồng đối với xe máy và các hình phạt bổ sung gồm tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện… Như vậy, theo luật pháp, bạn không được phép lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn (vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở).
Ngoài ra, không có bất cứ ngưỡng an toàn nào đối với việc lái xe sau khi đã uống rượu bia. Bạn càng uống nhiều thì nguy cơ bạn gặp tai nạn giao thông càng tăng. Và khi tai nạn giao thông xảy ra, các phương tiện giao thông khác trên đường cũng bị liên lụy, chứ không chỉ mỗi bản thân bạn.
Thay vì lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn, bạn có thể:
- Sắp xếp sẵn phương án về nhà trước khi bắt đầu cuộc vui.
- Quyết định ai sẽ là người đưa cả bọn về, và tất nhiên là người đó không được uống rượu bia.
- Chuẩn bị sẵn tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng để bắt taxi, gọi xe công nghệ.
- Nghiên cứu lộ trình phương tiện giao thông công cộng (nếu có).
7. Hãy từ chối nếu bạn…
. Tốt nhất là bạn không nên uống rượu bia nói riêng và đồ uống có cồn nói chung khi chưa đủ 18 tuổi.
Chưa đủ tuổi, đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, đang cho con bú, đang uống thuốc, đang điều trị hoặc đang có tâm lý căng thẳng, buồn bực.
Trong một số trường hợp, uống rượu bia sẽ rất có hại. Tốt nhất là bạn không nên uống rượu bia nói riêng và đồ uống có cồn nói chung khi chưa đủ 18 tuổi. Và Luật phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019 cũng nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia.
Nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của đứa trẻ thì tốt nhất bạn cũng không nên uống rượu bia.
Ngoài ra, khi đang uống thuốc, tốt nhất là bạn nên tránh xa rượu bia. Vì khi thuốc trộn với cồn có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Hơn nữa, bạn cũng không nên uống rượu bia khi đang cảm thấy căng thẳng, suy sụp vì sau khi uống bạn sẽ càng thấy tệ hơn.
Hãy uống rượu bia một cách an toàn, có trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng.
8. Không tiếp xúc môi trường lạnh sau khi uống rượu
Bác sĩ Lê Hoàn, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết khi uống rượu, chất ethanol làm giãn mạch máu da, kèm cảm giác cháy ở cổ họng khiến bạn cảm thấy ấm hơn. Cảm giác này sẽ nhanh chóng qua đi. Trong thời tiết lạnh, người uống rượu nên giữ ấm.
Đột ngột tiếp xúc với môi trường lạnh sau khi uống rượu có thể bị nhiễm lạnh do mạch máu dưới da bị giãn, tăng thoát nhiệt. Lúc này, người uống rượu thường lơ mơ, mất kiểm soát, mạch máu nhanh chóng co lại, dẫn đến cơn tăng huyết áp. Trường hợp nặng, có tiền sử tăng huyết áp, dị dạng có thể bị đột quỵ. Người có cơ địa yếu, suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản.