Hành tinh của chúng ta cách đây 4 tỉ năm nhiều khả năng rất giống mặt trăng Io luôn bận rộn với hoạt động núi lửa của sao Mộc.
Mặt trăng Io là vật thể hoạt động núi lửa tích cực nhất trong hệ mặt trời, với những đợt phun trào dữ dội tống ra một lượng dung nham dày 1cm bao phủ toàn bộ bề mặt mỗi năm.
Mặt trăng Io là vật thể hoạt động núi lửa tích cực nhất trong Hệ mặt trời - (Ảnh: NASA)
Trái đất có thể đã trải qua giai đoạn tương tự vào lúc mới hình thành, trước khi hành tinh nguội lại đủ cho các đĩa kiến tạo hình thành, theo báo cáo trên chuyên san Nature.
Địa cầu tượng hình từ quá trình kết hợp nhiều phôi hành tinh nhỏ bằng đá lại với nhau cách đây khoảng 4,5 tỉ năm. Những sự đụng độ này tỏa ra nhiệt lượng lớn, cũng giống như quá trình tách lõi kim loại của Trái đất và phân rã các nguyên tố phóng xạ.
Do vậy, Trái đất cổ đại "ngậm" khối lượng nhiệt nội tại nhiều hơn từ 5 đến 10 lần so với hiện nay, theo SPACE.com dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu William Moore của Đại học Hampton (Mỹ).
Tuy nhiên, phần thạch quyển của hành tinh chúng ta lại khá dày và nguội trong những ngày đầu. Và Trái đất sơ khai có thể hoạt động như Io, tức nhiệt tuôn chảy với khối lượng lớn lên bề mặt thông qua các "ống" núi lửa.