Trái đất từng phẳng lì và hầu như bao phủ bởi đại dương, chỉ có một số hòn đảo nhỏ nhô lên khỏi mặt nước, một nghiên cứu mới cho biết.
Theo Express, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận trên sau khi phân tích mẫu khoáng chất zircon ở khu vực phía tây Úc. Đây được coi là lớp đất đá có niên đại xa xưa nhất được tìm thấy từ trước đến nay.
Minh họa Trái đất thuở sơ khai.
Người dẫn đầu nghiên cứu, Tiến sĩ Antony Burnham thuộc trường Đại học Quốc gia Úc nói: "Lịch sử của Trái đất giống như một cuốn sách với chương đầu tiên hoàn toàn bí ẩn. Nhưng chúng tôi đã phân tích mẫu zircon để tái hiện lại những gì xảy ra ở thời điểm cách đây khoảng 4,4 tỷ năm".
"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, Trái đất thuở sơ khai không hề có núi và các lục địa cũng không xuất hiện trong suốt 700 triệu năm đầu tiên. Nói cách khác, Trái đất khi đó là một thế giới hoàn toàn yên tĩnh", ông Burnham nói.
Người dẫn đầu nghiên cứu, Tiến sĩ Antony Burnham.
Tiến sĩ Burnham nói thêm: "Chúng tôi cũng phát hiện ra dấu vết của zircon từ các mẫu đất đá có niên đại 1,5 tỷ năm trước, chứng tỏ Trái đất đã trải qua quãng thời gian dài biến đổi mới trở thành như hôm nay".
Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện trên tạp chí Nature Geoscience. Họ nhận thấy khoáng chất zircon được tạo ra theo cách hoàn toàn khác biệt, không giống như những gì xảy ra khi các lục địa trên Trái đất va chạm với nhau.
Mẫu khoáng chất Zircon.
"Điều đó chứng minh hoạt động địa chất không hề tồn tại trên Trái đất từ những ngày đầu tiên", ông Burnham nói.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Úc củng cố lý thuyết "Trái đất lạnh lẽo", cho rằng Trái đất chứa đầy nước và có điều kiện hết sức khắc nghiệt.
Cho đến giai đoạn 4,1-3,8 tỷ năm trước, Trái đất mới bị bắn phá bởi làn sóng các thiên thạch và sao chổi.
Đó là lúc các dạng sống đầu tiên như vi khuẩn bắt đầu hình thành.