Trẻ dễ bị mù hai mắt do sinh non

Trẻ sinh non ở tuần thứ 32 và nặng dưới 1,8kg, thường dễ mù ở cả hai mắt, do tổn thương mạch máu nhỏ ở mắt. Nếu được điều trị sớm, 80% trẻ cũng có biến chứng, như: lé, cận thị...

Sanh non, nhẹ cân: Nguy cơ gây mù!

Cứ mỗi chiều thứ ba và thứ năm, tại Phòng khám mắt khoa Chăm sóc Sơ sinh - BV Nhi Đồng 1, khoảng 30 - 45 trẻ sinh non sẽ được nhỏ thuốc mắt từ 12 giờ trưa và chờ khám.

Kiểm tra để phát hiện sớm bệnh võng mạc ở trẻ sinh non tại BV Nhi Đồng 1 (Ảnh: Hương Cát)

BS. Trần Châu Thái sẽ kiểm tra để phát hiện sớm những tổn thương mạch máu nhỏ có chức năng nuôi dưỡng võng mạc. Đây là vùng nằm ở phía sau của mắt, tiếp nhận ánh sáng và truyền thông tin đến não. Các bác sĩ chuyên khoa gọi căn bệnh này là bệnh lý võng mạc trẻ sinh non (retinopathy of prematurity - ROP).

Một bé gái, con của sản phụ Nguyễn Thị L.- ngụ tại Trảng Bàng, Tây Ninh, vừa chào đời cách đây một tháng. Bé sinh non 28 tuần và chỉ cân nặng 1,3kg.

BS. Thái kiểm tra hai mắt của bé, và thở phào nhẹ nhõm. Bé gái ấy tuy đã có các dấu hiệu của bệnh, nhưng những mạch máu đến nuôi võng mạc vẫn còn chạy thẳng, chứ chưa chạy ngoằn nghèo bất thường. Bé vẫn phải được kiểm tra định kỳ mỗi tuần cho đến 41 - 42 tuần tuổi, đạt được tuổi thai bình thường. Khi đó, mắt của bé đã phát triển hoàn thiện.

Cũng trong buổi khám ấy, bé trai của sản phụ Nguyễn Thị Thu N. nhà ở quận 10 (TP.HCM), đến kiểm tra định kỳ sau mổ. Bé đã được bắn laser cách đó một tuần.

Chị N. cho biết, bé tuy sinh ra vào tuần thứ 36, nhưng chỉ cân nặng 1,6kg. Các bác sĩ phát hiện các mạch máu trong mắt của con trai chị giãn lớn, chạy ngoằn nghèo. Ngoài ra, pha lê thể (một chất dịch trong suốt như lòng trắng trứng gà) bị mờ.

Sau khi được phẫu thuật mắt bằng laser, hiện nay, mắt bé phát triển tốt. Tuy nhiên, theo BS. Thái, phải đến 6 tháng tuổi, các bác sĩ mới phát hiện được bé có bị lé hay bị cận thị không.

Sau điều trị, 80% trẻ vẫn bị lé hay cận thị

Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, BV Mắt TP.HCM đã tiến hành tầm soát để phát hiện loại bệnh này cho hơn 20.000 trẻ sinh non. Sau đó, đến 7/2004, BV Mắt TP.HCM đã hợp tác với BV Nhi Đồng 1 để khám và điều trị ROP cho trẻ sinh non.

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non là một bệnh lý mắt thường gặp ở những trẻ sanh non, nhẹ cân. Mạch máu võng mạc ở mắt là phần cuối cùng phát triển hoàn thiện cho đến khi thai nhi đủ tháng.

Do trẻ bị đẻ non nên những mạch máu này không được phát triển hoàn thiện, có thể dẫn đến những tổn hại của võng mạc và ảnh hưởng đến thị giác của trẻ.

Trẻ cần khám sớm ngay từ 3- 4 tuần tuổi sau khi sinh. Đưa trẻ đi khám khi:

- Cân nặng lúc sinh dưới 1.500g hoặc tuổi thai lúc sinh dưới 33 tuần (7,5 tháng)

- Cân nặng lúc sinh từ 1.500g - 2.000g, nhưng bị ngạt lúc sinh, nằm lồng ấp, thở ôxy kéo dài, có những bệnh khác kèm theo

- Cân nặng lúc sinh từ 1.500g - 2.000g và đa thai (sinh đôi, sinh ba).

Hiện nay, tổng số trẻ sanh non từ 32 tuần tuổi trở xuống và cân nặng dưới 1,8kg, khám tầm soát ROP là 2280 với tổng số lần khám 5450 lần. 425 trẻ đã được điều trị bằng laser. Trong số đó, 19 ca bong võng mạc toàn bộ, 13 ca bong võng mạc một mắt.

"ROP là một bệnh rất năng động, diễn tiến bệnh rất nhanh. Từ khi phát hiện bệnh cho đến tiến hành điều trị chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nhiều trẻ sơ sinh cần phải ổn định tình trạng toàn thân (suy hô hấp, suy tim, nhiễm trùng máu...) nên có thể trẻ đã bị bong võng mạc trong thời gian chờ đợi," BS. Thái nói.

Hiện nay, BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi Trung Ương là hai nơi có thể điều trị căn bệnh ROP cho trẻ sinh non, vì đủ điều kiện thực hiện gây mê cho trẻ sơ sinh. Nhiều chuyên gia cho biết, bắn laser điều trị cho trẻ rất nhanh, nhưng quá trình gây mê trước mổ thường kéo dài 2 tiếng đồng hồ.

Tuy chữa được mù lòa cho trẻ từ 70 - 80%, nhưng các bác sĩ chuyên khoa mắt vẫn phải tiếp tục theo dõi chức năng thị giác cho trẻ. Theo nhiều báo cáo của quốc tế, 75% trẻ đã điều trị ROP có thị lực 5/10, 50% có thị lực thấp hơn 1/10.

Đối với biến chứng về sau, cận thị chiếm đa số. Bệnh ở giai đoạn càng nặng thì độ cận thị càng cao. Ngoài ra, trẻ có thể bị nhược thị và lé. Khi lé và nhược thị xảy ra phải điều trị tích cực.

Những trẻ có sẹo võng mạc do điều trị bằng laser, cần phải theo dõi kiểm tra võng mạc định kỳ vì dễ có nguy cơ cao bong võng mạc. Hiện tượng này có thể xảy ra từ 10 năm đến vài chục năm sau.

Hương Cát

Theo Vietnamnet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video