Một nhóm nhà nghiên cứu Australia phát triển hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) có thể dự đoán nguy cơ chết sớm của bệnh nhân bằng cách xem xét ảnh chụp các cơ quan nội tạng, theo International Business Times. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 10/5 trên tạp chí Scientific Reports.
Hệ thống AI mới là sản phẩm do các nhà nghiên cứu ở Đại học Adelaide, Australia, chế tạo. Khi phân tích ảnh chụp ngực của 48 bệnh nhân, hệ thống AI này dự đoán những bệnh nhân có khả năng chết trong vòng 5 năm với độ chính xác 69%.
Hệ thống AI có thể giúp các bác sĩ dự đoán tuổi thọ bệnh nhân trong tương lai. (Ảnh minh họa: Cloudinary.com).
"Việc đánh giá chính xác độ tuổi sinh học và dự đoán tuổi thọ của bệnh nhân bị hạn chế do các bác sĩ không thể quan sát bên trong cơ thể và đánh giá độ khỏe mạnh của mỗi cơ quan nội tạng", tiến sĩ Luke Oakden-Rayner, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. "Nghiên cứu của chúng tôi tập trung tìm hiểu kỹ thuật 'học sâu', cho phép các hệ thống máy tính học hỏi cách giải nghĩa và phân tích hình ảnh".
Nhóm nghiên cứu chưa thể xác định chính xác điều gì trong ảnh giúp hệ thống máy tính đưa ra dự đoán về tuổi thọ bệnh nhân, nhưng hệ thống AI thành công nhất với những bệnh nhân mắc bệnh nặng kinh niên như khí phế thũng (emphysema) và suy tim sung huyết (congestive heart failure).
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống AI có thể chẩn đoán thông qua tổ hợp lượng lớn dữ liệu và tìm ra những mô hình rất khó phát hiện mà bác sĩ không được đào tạo để nhận biết.
"Nghiên cứu của chúng tôi mở ra những hướng áp dụng mới của công nghệ trí thông minh nhân tạo trong phân tích hình ảnh y tế, có thể mang lại hy vọng cho phát hiện sớm bệnh nặng đòi hỏi can thiệp y khoa đặc biệt", Oakden-Rayner nói.
Trong một dự án tương tự, nhóm nhà khoa học ở bộ phận Google Scientists tuyên bố công nghệ AI sử dụng trong dự án xe tự lái của công ty có thể phát hiện ung thư nhanh hơn và chính xác hơn bác sĩ.