Một chuyên gia người Mỹ cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tồn tại ở nơi nào đó trong vũ trụ từ hàng tỷ năm trước.
Nhà nghiên cứu Susan Schneider ở Đại học Connecticut, Mỹ, cho rằng những nền văn minh khác có thể là các dạng siêu trí tuệ nhân tạo ngoài hành tinh mà con người chưa thể tạo ra trên Trái Đất, Daily Galaxy hôm 14/10 đưa tin.
Trí tuệ nhân tạo ngoài hành tinh có thể bất tử. (Ảnh minh họa: Photoanimal).
Theo tiến sĩ Schneider, những dạng sống này có thể đã tiến tới thời “hậu sinh học”, không bị chi phối bởi gene di truyền như những sinh vật trên Trái Đất mà hoạt động nhờ công nghệ, nghĩa là chúng có thể bất tử. Các nền văn minh AI ngoài hành tinh có thể vô cùng thông minh và đang theo dõi Trái Đất.
"Có thể có nhiều sự sống trong vũ trụ nhưng trí tuệ ngoài hành tinh có thể ở giai đoạn hậu sinh học và phát triển từ nền văn minh của các tổ chức sinh học", tiến sĩ Schneider nói.
Những người ngoài hành tinh mà con người có thể chạm trán trong vũ trụ sẽ lớn tuổi hơn nhiều so với chúng ta. Tiến sĩ Schneider cho biết các bằng chứng chỉ ra niên đại nền văn minh ngoài hành tinh có thể trong khoảng 1,7 - 8 tỷ năm.
Nhờ tải trí tuệ lên máy móc, dạng sống dựa trên silicon có thể tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt hơn so với dạng sống dựa trên carbon. Giới nghiên cứu cũng cho rằng bộ não silicon thông minh hơn do thông tin truyền qua các nơron nhựa nhanh hơn trong não người.
Dạng sống dựa trên silicon có nhiều lợi thế sinh tồn, theo tiến sĩ Schneider. "Chẳng hạn như khả năng sống sót khi du hành không gian trở nên cao hơn với sức mạnh to lớn từ máy tính và không có những hạn chế về mặt thể chất. Trí tuệ nhân tạo gần như bất tử và có độ tin cậy cao", tiến sĩ Schneider nhận định.