Triệu phú Nga tham vọng biến con người thành bất tử

Một triệu phú công nghệ mạng người Nga muốn thay đổi vận mệnh con người bằng cách số hoá trí tuệ của bộ não người vào máy tính điện tử.


Triệu phú công nghệ mạng người Nga Dmitry Itskov hy vọng sẽ tìm ra phương thức bất tử cho trí tuệ loài người. (Ảnh: Kinja)

Theo BBC, đây là phương thức khác biệt hoàn toàn so với cách thay đổi cuộc sống của con người bằng các thiết bị thông minh tiên tiến hoặc các ứng dụng truyền thông xã hội của nhiều ông trùm giới công nghệ.

Dmitry Itskov, 35 tuổi, người đã rời bỏ lĩnh vực kinh doanh để toàn tâm toàn ý cống hiến cho việc kiếm tìm thứ hữu ích hơn cho nhân loại, hứa hẹn trong vòng 30 năm nữa loài người sẽ trở nên bất tử nhờ công nghệ này.

"Tôi chắc 100% rằng điều này sẽ thành hiện thực, nếu không thì tôi đã chẳng khởi động dự án này", Itskov cam kết. "Nếu không có công nghệ bất tử, tôi sẽ chết trong vòng 35 năm tới", ông than thở.

Chính vì vậy, Itskov đã đặt phần lớn tài sản của mình vào kế hoạch táo bạo do chính ông khởi xướng nhằm loại bỏ quá trình lão hóa. Ông muốn sử dụng khoa học tiên tiến để mở khóa những bí mật của bộ não người và sau đó tải toàn bộ tâm trí vào máy tính, giải phóng họ khỏi những ràng buộc của cơ thể sinh học.

"Mục tiêu tối thượng trong kế hoạch của tôi là có thể chuyển toàn bộ tâm trí mang đậm cá tính của một con người vào một cơ thể hoàn toàn mới", ông nói.

Triển vọng hiện thực hóa

Giám đốc khoa học của dự án Sáng kiến 2045 do Itskov tài trợ, tiến sĩ Randal Koene, một nhà thần kinh học đã từng làm giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Ký ức và Não bộ của Đại học Boston, cho rằng ý tưởng của Itskov rất khả thi.

"Tất cả mọi bằng chứng chỉ ra rằng lý thuyết trên là điều có thể thực hiện, mặc dù vô cùng khó khăn, nhưng nó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Và khi điều đó xảy ra, bạn có thể nói rằng một người như thế là người có tầm nhìn xa, chứ không phải người điên", Koene nói.

Não người có khoảng 86 tỷ tế bào thần kinh, kết nối bằng cách phóng các điện tích lan truyền qua các tổ chức trong hộp sọ như những con sóng. Tuy nhiên, bí ẩn lớn nhất là cách thức bộ não sản sinh ra tâm trí, tư duy, trí tuệ vẫn chưa có đáp án khoa học chính xác, theo ý kiến của nhà thần kinh học, giáo sư Rafael Yuste ở Đại học Columbia, Mỹ.

"Thách thức chủ yếu là làm thế nào để đi từ bề mặt vật lý của các tế bào bên trong não bộ đến với thế giới tinh thần, với những suy nghĩ, với những kỷ niệm, với những cảm xúc của chúng ta", Yuste nói.

Để tìm hiểu, các nhà khoa học sử dụng cách tiếp cận mới, coi bộ não như một máy tính điện tử. Não bộ biến thông tin đầu vào là dữ liệu cảm nhận thành kết quả đầu ra là hành vi của con người thông qua tính toán.

Đây cũng là điểm khởi phát của các lập luận lý thuyết về việc truyền tải tâm trí con người vào máy tính và nếu quá trình này được hoàn thiện theo đúng những gì lý thuyết đã vạch ra, thì sẽ xuất hiện một bộ não máy tính được sao chép nguyên bản bên cạnh tâm trí mang bản sắc riêng của một con người.

Đó là quan điểm của tiến sĩ Ken Hayworth, một nhà thần kinh học, người đang nghiên cứu ánh xạ bộ não của chuột tại cơ sở nghiên cứu Janelia ở Virginia, Mỹ. Ông đang trăn trở với quá trình truyền tải tâm trí con người vào máy tính.

Hayworth tin rằng nếu lập được bản đồ connectome (các kết nối phức tạp của tất cả các tế bào thần kinh trong não bộ) tức là có thể nắm giữ bộ khóa được dùng để mã hóa tất cả các thông tin làm nên chính con người có tính cách, có bản sắc, mặc dù điều này chưa được chứng minh.

Tuy nhiên, Hayworth cũng thừa nhận rằng phải rất lâu nữa ông mới có thể tiến đến thành lập bản đồ ánh xạ connectome của con người. "Thời gian để số hoá đầy đủ hoàn toàn bộ não của loài ruồi có thể mất đến hai năm, nên việc lập bản đồ ánh xạ cho bộ não của con người với trình độ khoa học công nghệ hiện nay là hoàn toàn không tưởng", ông nói.

Ngay cả khi hoàn thành đầy đủ bản đồ ánh xạ cho bộ não của con người thì quá trình truyền tải tâm trí con người vào máy tính vẫn phải đương đầu với thử thách cực kỳ cam go là yêu cầu đọc được các hoạt động liên tục của tất cả các tế bào thần kinh trong bộ não.

Tham vọng

Dự án nghiên cứu khoa học thần kinh lớn nhất thế giới "Bộ óc sáng tạo" là một phần của chương trình trị giá 6 tỷ USD nhằm giải quyết những bí ẩn của chứng rối loạn não như Alzheimer, do Yuste chịu trách nhiệm điều phối, có thể mang đến một sự trợ giúp bất ngờ cho Itskov.

Yuste hy vọng có thể lập bản đồ tương tác hoạt động liên tục của các tế bào thần kinh theo các dạng hoạt động trong não theo thời gian.

"Chúng tôi muốn đo được từng xung động ở đầu mỗi sợi thần kinh của tất cả các tế bào thần kinh đồng thời tại cùng một thời điểm. Đó là điều mà đại đa số đều cho là không thể thực hiện được", Yuste nói.


Nhà thần kinh học Ken Hayworth. (Ảnh: BBC)

Đây là một cách tiếp cận mới không dựa trên việc thiết lập bản đồ connectome. Trong một nghiên cứu chưa được công bố rộng rãi, Yuste lần đầu tiên chụp được hình ảnh động theo thời gian của tín hiệu điện nhấp nháy được tạo ra từ hoạt động của tế bào thần kinh, ghi lại gần như tất cả các tế bào thần kinh của hydra, loài động vật không xương sống có một trong những hệ thống thần kinh đơn giản nhất trong hệ tiến hóa.

"Nó đặc biệt thú vị", Yuste nói. "Tuy nhiên, chúng tôi hiện chưa hiểu rõ những mô hình này có ý nghĩa gì . Nó giống như bạn đang nghe một cuộc trò chuyện bằng một ngôn ngữ nước ngoài mà bạn không hiểu".

Trong 15 năm tới, Yuste hy vọng có thể hoàn thiện được việc thiết lập bản đồ, đồng thời giải thích được các hoạt động của tất cả các tế bào thần kinh ở vỏ não chuột. Nhưng mục tiêu cuối cùng mà Yuste hướng đến là tìm hiểu được hoạt động liên tục của các tế bào thần kinh trong bộ não con người.

"Nếu bộ não là một máy tính kỹ thuật số, và bạn muốn truyền tải tâm trí con người vào máy tính thì trước tiên bạn cần phải giải mã được nó hoặc ít nhất lưu trữ được nó dưới dạng số hoá. Vì vậy, tôi nghĩ rằng dự án Bộ óc sáng tạo là bước cần thiết để việc thực hiện quá trình truyền tải tâm trí con người vào máy tính có thể xảy ra."

Có nhiều ý kiến cho rằng dự án của Itskov rất khó thành công. Tại trường Đại học Duke, Bắc Carolina, Mỹ, một trong những nhà thần kinh học hàng đầu cho rằng bộ não vốn là một thực thể sinh động vô cùng phức tạp, chịu trách nhiệm điều khiển mọi mặt trạng thái sinh tồn của con người nên không thể sao chép được.

"Không thể có cách nào mã hoá được trực giác hay vẻ đẹp do óc thẩm mỹ mang lại, cũng không thể mã hoá được tình cảm yêu ghét", đó là phát biểu của tiến sĩ Miguel Nicolelis, người đang nghiên cứu phát triển bộ hỗ trợ khung xương điều khiển bằng não bộ nhằm giúp những người bị tê liệt đi lại được.

"Chẳng đời nào lại có chuyện bộ não con người bị biến đổi rút gọn để dồn vào một thiết bị lưu trữ số tầm thường. Đơn giản là không thể làm biến đổi sự tinh vi phức tạp của não bộ thành những thuật toán mà máy tính có thể hiểu được".

Rủi ro

Truyền tải tâm trí con người vào máy tính sẽ mở ra một thế giới đầy rủi ro.

"Nếu bạn có thể sao chép tâm trí con người và truyền tải nó vào trong một dạng vật liệu khác, về mặt nguyên tắc, bạn có thể trở thành bản sao của nhân bản vô tính", Yuste nói. "Đây là những vấn đề rất phức tạp vì nó liên quan tới cốt lõi của việc định nghĩa về con người".


Triệu phú Itskov giới thiệu bản sao robot được truyền tải trí tuệ của ông trong tương lai. (Ảnh: Zazenlife)

Itskov thì lạc quan hơn: "Tôi sẽ trả lời bạn câu hỏi về đạo đức của dự án bằng cách trích dẫn quan điểm của Ngài Dalai Lama rằng bạn có thể làm tất cả mọi thứ nếu động lực của bạn là giúp đỡ con người".

"Trong những thế kỷ tiếp theo, tôi đã hình dung ra việc có nhiều cơ thể sống, mỗi bản ở một nơi nào đó trong không gian, một thứ giống như ảnh không gian ba chiều mang ý thức của tôi di chuyển từ nơi này đến nơi khác".

Không có sự hỗ trợ của công nghệ bất tử, ước tính rằng thế giới đã có 107 tỷ người chết đi từ trước tới nay. Trong tương lai, nhờ sự hiểu biết của con người về não bộ tiến triển mạnh, chúng ta có thể biết được Itskov thực sự là người có tầm nhìn chiến lược quan trọng như ông tuyên bố, hay chỉ đơn thuần là kẻ ấp ủ những giấc mơ không thể thành hiện thực.

Cập nhật: 18/03/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video