Từng thành công với nhiều mô hình trồng rau, quả như cà chua, bắp cải, xà lách… mới đây, Nguyễn Văn Quy giảng viên Khoa Nông học, ĐH Nông lâm Huế lại thành công với mô hình nghiên cứu trồng cây kiểng bằng phương pháp thủy canh.
Từ nhỏ, Quy đã đam mê nghề trồng cây cảnh, đặc biệt là trò ươm giống cho cây nẩy mầm. Khi đã trở thành giảng viên, ngoài những giờ lên lớp, Quy còn dành nhiều thời gian nghiên cứu các đề tài khoa học để phục vụ cho việc giảng dạy của mình. Để thực hiện được điều đó Quy đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn. Phải tự bỏ tiền túi, huy động vốn từ gia đình mua hàng trăm loại cây kiểng khác nhau về trồng bằng phương pháp thủy canh mà anh đã dày công nghiên cứu.
Hiểu kỹ tính cây
Theo Quy, nếu trồng kiểng lá trong chậu đất đòi hỏi rất kỹ khâu chọn giống, đất, phân bón và có một chế độ nước tưới hợp lý thì trồng thủy canh cây cảnh đơn giản, tiện lợi hơn nhiều. Chỉ cần một chậu thủy tinh, một giỏ nhựa có kích cỡ phù hợp với cây, sau đó tách cây từ chậu đất, dùng nước rửa sạch rễ, cắt phần rễ thối và rễ bị tổn thương, giữ lại rễ chính và rễ khỏe. Sau đó, đặt cây vào giỏ nhựa và hòa khoảng 10 giọt nước dinh dưỡng vào bình nước thủy tinh để cây hấp thu dinh dưỡng.
Trại cây kiểng của anh Nguyễn Văn Quy. Ảnh: L. Dương
Những cây cảnh “khó tính” như trúc, hoa chuông... có thể trồng ở trong môi trường này, thậm chí trồng xương rồng, một loại cây vốn không ưa nước. Ngoài ra, người trồng có thể kết hợp nuôi cá cảnh, tạo ra hình thế phong thủy hài hòa trong nhà hay phòng làm việc, phù hợp với thị hiếu chơi cây cảnh hiện nay. “Sau 20 ngày khi bộ rễ phát triển tốt, đẹp thì có thể bổ sung thêm dung dịch dinh dưỡng một lần. Nhờ nguồn nước lưu trữ trong bình nên cây có tốc độ phát triển nhanh hơn so với bình thường, hạn chế sâu bệnh, ô nhiễm môi trường. Tuổi thọ của cây gấp hai đến ba lần so với trồng trong đất”, anh Quy giải thích.
“Quá trình nghiên cứu trồng thủy canh không khó, nhưng công đoạn pha chế chất dinh dưỡng quả là thử thách… Nhiều hóa chất có liều lượng rất nhỏ, phải dùng cân tiểu ly để cân đối liều lượng”, Quy cho biết thêm.
Bằng đam mê lớn, anh đã thành công với công thức pha chế gồm 16 loại hóa chất, mang tên NQ2 cần thiết như ở trong môi trường đất.
Sẵn sàng chuyển giao công nghệ
Mô hình trồng cây theo hình thức thủy canh ở một số nước tiên tiến như Mỹ, Australia, Canada... khá phổ biến, tuy nhiên những loại dung dịch dinh dưỡng như thế này bán ở thị trường Việt Nam khá đắt. Bởi vậy, công thức pha chế dung dịch NQ2 được anh Quy dày công mày mò, nghiên cứu cho “ra lò” thì sản phẩm này đã đến với tay bà con với giá từ 10.000 – 20.000 đồng một lọ.
Giảng viên trẻ này đang đang giới thiệu rộng rãi sản phẩm dung dịch dinh dưỡng NQ2 cũng như chuyển giao, hợp tác công nghệ, kỹ thuật cho bà con nông dân, nhà sản xuất nông nghiệp trong việc ứng dụng trồng và đưa vào sản xuất kiểng lá, rau mầm, thủy canh xà lách, dưa chuột, ớt và một số loại hoa. “Chỉ cần vài m2 trên sân thượng hay ở góc hè, với phương pháp thủy canh này là gia đình đã có rau sạch để ăn. Với dung dịch NQ2 cho phép sản xuất rau, quả sạch, không có tồn tại dư lượng hóa chất độc hại, sản lượng thu hoạch rất cao”, Quy chia sẻ.
Sắp đến, Quy sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm, phát triển một số loại cây khó trồng ở TP.Huế như: hoa chuông, hoa ly, dâu tây... để phục vụ thị trường Tết.
** Bạn đọc www.khoahoc.tv có thể liên hệ chi tiết với anh Nguyễn Văn Quy theo thông tin dưới đây:
Nguyễn Văn Quy, Giảng viên khoa Nông học, trường ĐH Nông Lâm Huế, TP Huế. Email: Ngocquy812004@yahoo.com ĐT: 0905337564