Trung Quốc bắt đầu cuộc “xuân vận”: 3 tỷ chuyến đi trong vòng 40 ngày tới để về nhà ăn Tết

Cuộc "di cư" thường niên lớn nhất thế giới tại Trung Quốc bắt đầu từ ngày 10/1 với khoảng 3 tỷ chuyến đi ước tính diễn ra trong 40 ngày. Các công nghệ tân tiến đã được ứng dụng.

Hàng trăm triệu người trên khắp Trung Quốc đã bắt đầu về nhà để đoàn tụ gia đình dịp Tết Nguyên Đán, tạo nên cuộc di cư hàng năm lớn nhất thế giới mang tên "xuân vận".

Ước tính khoảng 3 tỷ chuyến đi diễn ra trong kỳ "xuân vận" năm nay, kéo dài 40 ngày từ 10/1 đến 18/2, theo đại diện Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc. Ngày 25/1 là ngày đầu năm Canh Tý, "năm con chuột" theo lịch can chi Đông Á.

Thời gian đi tàu giảm đáng kể

Trong khi truyền thông nhà nước đưa tin cơ quan y tế đã xác định một loại coronavirus mới là nguồn bệnh trong 59 ca viêm phổi bí ẩn ở thành phố Vũ Hán, giới chức giao thông nói rằng họ đã chuẩn bị ứng phó.

Wang Yang, đại diện Bộ Giao thông Trung Quốc, cho biết: "Một số công việc đã được thực hiện, tập trung vào việc giám sát khử trùng và các biện pháp bảo vệ tại các khu vực có số lượng hành khách lớn, bao gồm các điểm trung chuyển, nhà ga hành khách và nhà máy hàng hóa".

South China Morning Post cho biết ngành đường sắt Trung Quốc dự kiến ​​vận chuyển 440 triệu hành khách trong thời gian nghỉ lễ, tăng 32,6 triệu so với năm trước, tương đương 8%, theo ước tính của chính phủ.

Sự mở rộng nhanh chóng của hệ thống giao thông Trung Quốc, đặc biệt là đường sắt, đã thay đổi hoàn toàn cách di chuyển ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Với việc Trung Quốc xây thêm 139.000 km đường sắt, và hiện có 35.000 km đường sắt cao tốc - lớn nhất trên thế giới - thời gian di chuyển đã giảm đáng kể đối với nhiều người dân.

Chuyến tàu nhanh nhất từ ​​Trương Gia Khẩu, một thành phố ở phía bắc tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Trung Quốc khoảng 200 km, đến Bắc Kinh đã giảm từ hơn 3 tiếng xuống còn 47 phút sau khi tuyến đường sắt cao tốc liên tỉnh đi vào hoạt động vào tháng trước.

Nếu trước đây hành khách mất 9 tiếng ngồi tàu lửa để đi từ Hohhot, thủ phủ khu tự trị Nội Mông, đến Bắc Kinh, thì giờ đây họ chỉ mất hơn 2 tiếng.


Hệ thống đường sắt, đặc biệt là đường sắt cao tốc, liên tục mở rộng trong những năm qua. (Ảnh: Tân Hoa xã).

Hệ thống bán vé đường sắt trực tuyến cũng sẽ kéo dài thời gian hoạt động thêm 30 phút mỗi ngày trong dịp này, từ 6h đến 23h30, và giao dịch mua vé có thể được xác nhận bằng nhận diện khuôn mặt. Các máy xác minh danh tính tự phục vụ đã được thiết lập tại các ga đường sắt cao tốc và các điểm dừng khác có lưu lượng hành khách lớn để giảm bớt tắc nghẽn.

Theo đại diện Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, hơn 17.000 chuyến bay sẽ diễn ra mỗi ngày, tăng 13,3% so với năm trước. Trong khi đó, khoảng 790.000 xe khách với sức chuyên chở tổng cộng 20,3 triệu hành khách và 19.000 tàu thủy với năng lực vận chuyển khoảng 830.000 hành khách dự kiến ​​tham gia kỳ "xuân vận".


Hình ảnh quá tải tại nhà ga Cáp Nhĩ Tân


Hành khách ngồi chờ bên ngoài nhà ga Bắc Kinh


Một người đàn ông vác đồ để về quê ăn Tết


Nụ hôn tạm biệt bên ngoài nhà ga Bắc Kinh


Khu vực soát vé vô cùng đông đúc

Ứng dụng 5G, AI

Trung Quốc cũng đã giới thiệu các công nghệ mới để cải thiện trải nghiệm của hành khách trong dịp này, bao gồm công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại Ga đường sắt Đông Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, hành khách bị mất thẻ căn cước có thể nhận được căn cước tạm thời trong vòng 30 giây với sự trợ giúp của công nghệ nhận dạng khuôn mặt, theo China News.

Bài viết cho hay "máy in căn cước tạm thời tự phục vụ" sẽ khớp khuôn mặt hành khách với số thẻ của họ và in ra thẻ mới. Trước đây, hành khách phải xếp hàng tại quầy nhân viên để lấy thẻ tạm thời hoặc đến đồn cảnh sát để làm thẻ mới.

Cũng theo bài viết này, sẽ có một robot an ninh được hỗ trợ bởi công nghệ mạng di động thế hệ thứ năm (5G), giúp nhân viên tại nhà ga đường sắt phát hiện người và hành vi đáng ngờ. Robot sẽ sử dụng AI để phân tích hành vi của mọi người trong nhà ga.

Việc áp dụng công nghệ AI và 5G trong mùa cao điểm di chuyển hàng năm nhất quán với sự coi trọng của Bắc Kinh đối với các công nghệ này trong những năm gần đây. AI đã được triển khai cho mọi thứ, từ việc bắt người đi bộ sang đường ẩu đến phân loại rác, trong khi Trung Quốc bắt đầu triển khai dịch vụ 5G thương mại trên toàn quốc vào năm ngoái.


Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng tại một nhà ga ở tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Tân Hoa xã).

Theo một bài viết trên Nanfang Daily, tờ báo chính thức của đảng ủy đảng Cộng sản tỉnh Quảng Đông, tuyến đường sắt đầu tiên được phủ sóng 5G ở Trung Quốc, đường sắt cao tốc Quảng Châu - Thâm Quyến - Hong Kong, cũng đã bắt đầu dịch vụ vào ngày đầu tiên trong kỳ "xuân vận".

Đây là nỗ lực chung của nhà mạng China Mobile, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc Quảng Châu và nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei, bắt đầu thi công vào tháng 9/2019 để chuẩn bị cho mùa Tết. Hơn 300 trạm 5G được xây dựng dọc theo tuyến đường theo kế hoạch và tín hiệu sẽ phủ sóng cả đường hầm và nhà ga, theo bài viết.

Dịch vụ 5G sẽ mang đến tốc độ dữ liệu nhanh hơn, giảm độ trễ, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, dung lượng hệ thống cao hơn và kết nối thiết bị lớn. Việc này được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng mạng 4G không ổn định, ngay cả khi tàu chạy với vận tốc lớn nhất 350 km/h.

Thậm chí tại ga đường Nam Quảng Châu, các nhà chức trách còn sử dụng công nghệ AI để phát hiện những khu vực đông người, giúp đỡ mọi người di chuyển nhanh và an toàn hơn, tránh tình trạng gây gổ hoặc tai nạn. Ước tính số lượng nhà ga sử dụng các công nghệ trên đã tăng từ 133 đến 300 trong năm qua

Ngoài các phương tiện công cộng, nhiều người dân lại sử dụng các ứng dụng đi chung xe để tránh những đám đông hỗn loạn.

Thực tế đã cho thấy mùa xuân vận với người dân Trung Quốc chưa bao giờ là một mùa êm ả vì nó còn phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết. Hồi năm 2017, một số tuyến cao tốc ở miền trung nước này đã bị đóng băng, sương mù dày đặc khiến việc di chuyển trở nên khó khăn và ùn tắc kéo dài.

Cập nhật: 17/01/2020 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video