Trung Quốc bật mí dự án không gian khủng hơn "thiên nhãn" của NASA tới 300 lần

Trung Quốc đang chuẩn bị thực hiện một dự án lớn không chỉ nhằm tăng cường chương trình nghiên cứu thiên văn của quốc gia mà còn thúc đẩy việc sử dụng tổ hợp trạm vũ trụ của nước này.

Theo trang Space.com, các nhà thiên văn học Trung Quốc mới đây đã bật mí về một dự án mới đầy tham vọng của nước này. Theo đó, Kính viễn vọng Không gian Khảo sát Trung Quốc hoặc Kính viễn vọng Trạm Vũ trụ Trung Quốc (CSST) với tên gọi "Xuntian" (có nghĩa là: khám phá bầu trời) dự kiến sẽ ra mắt vào năm tới.


Một kính viễn vọng lớn với hai tấm pin mặt trời giống đôi cánh trên quỹ đạo phía trên Trái đất. (Ảnh: Space.com).

Xuntian có kích thước bằng xe buýt có một gương chính với đường kính 2 mét. Kính viễn vọng không gian quang học cực tím này sẽ bay cùng quỹ đạo với Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Nó có thời gian hoạt động danh nghĩa là 10 năm, nhưng nhiệm vụ không gian của đài thiên văn có thể được kéo dài hơn.

Xuntian được thiết kế để vượt qua Kính viễn vọng Không gian Hubble của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Xuntian sẽ quay quanh trạm vũ trụ của Trung Quốc, nơi các phi hành gia đi bộ ngoài không gian có thể thỉnh thoảng đại tu nó.

Lin Xiqiang - Phó giám đốc Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc - tuyên bố rằng, Xuntian dự kiến sẽ tạo ra những bước đột phá trong ngành vũ trụ học, khám phá vật chất tối và năng lượng tối, thiên hà Milky Way và các thiên hà lân cận khác, sự hình thành và tiến hóa của những ngôi sao cũng như ngoại hành tinh.

Ông Lin cho biết, kính thiên văn Xuntian được trang bị một camera độ phân giải cao 2,5 tỷ pixel sẽ thực hiện các quan sát trường ảnh sâu với diện tích 17.500 độ vuông, cũng như thực hiện các quan sát chính xác về các loại thiên thể khác nhau.

Trường nhìn lớn hơn Hubble 300 lần

Dự kiến sẽ được đưa lên quỹ đạo Trái đất vào năm tới bằng tên lửa Long March 5B, Xuntian có thể thu được những cái nhìn toàn cảnh có độ phân giải cao về vũ trụ có độ phân giải không gian tương đương Kính viễn vọng Không gian Hubble. Tuy nhiên, "thiên nhãn" của Trung Quốc có trường nhìn lớn hơn Hubble tới 300 lần. Trường nhìn là diện tích bầu trời mà kính viễn vọng có thể nhìn thấy cùng một lúc.

Trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái với hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Li Ran - nhà khoa học dự án thuộc Chương trình giảm dữ liệu khoa học CSST của Trung Quốc - đã sử dụng phép so sánh bằng cách chụp ảnh một đàn cừu để chỉ ra khả năng của CSST Xuntian.

Ông Li nói: "Hubble có thể nhìn thấy một con cừu nhưng CSST có thể nhìn thấy hàng nghìn con, tất cả đều ở cùng một độ phân giải".

Hơn nữa, kính thiên văn này sẽ ở cùng quỹ đạo với Trạm Vũ trụ để thực hiện chuyến bay và quan sát độc lập trong thời gian dài. Lin cho biết, nó được thiết kế để ghép nối tạm thời với Trạm vũ trụ Thiên Cung để các phi hành gia tại đây hỗ trợ, bảo trì và nâng cấp.


Một vệ tinh hình trụ lơ lửng trên Trái đất. (Ánh: Space.com).

Công nghệ tiên tiến nhất thế giới

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Zhou Jianping - nhà thiết kế chính của Chương trình không gian có người lái của Trung Quốc - cũng dự báo về những khả năng và đóng góp của Xuntian.

"Kính thiên văn Xuntian là dự án khoa học quan trọng nhất kể từ khi nước ta [Trung Quốc] khởi động chương trình trạm vũ trụ. Đây là cơ sở khoa học mà cộng đồng thiên văn Trung Quốc háo hức mong đợi và là cơ sở khoa học đại diện cho công nghệ cao cấp nhà nước trong thiên văn học", ông Zhou nói.

Kính viễn vọng này cũng là loại tiên tiến nhất trong số tất cả các dự án nghiên cứu bằng kính thiên văn hiện có trên thế giới, ông Zhou nói thêm. "Nó được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đáng kể sự phát triển của thiên văn học, nâng cao nghiên cứu thiên văn học của nước ta [Trung Quốc] lên tầm quốc tế và giúp các nhà thiên văn học Trung Quốc trở thành lực lượng hàng đầu trong lĩnh vực này".

Kiểm tra và lắp ráp

Trong quá trình quan sát thông thường, kính viễn vọng không gian Xuntian sẽ bay độc lập trên cùng quỹ đạo với Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc nhưng ở khoảng cách rất xa.

Xu Shuyan - nhà thiết kế trưởng của cơ sở quang học Xuntian và nhà nghiên cứu từ Đài quan sát thiên văn quốc gia của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc - cho biết: "Chúng tôi vẫn đang phát triển mẫu nguyên mẫu. Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành việc phát triển tất cả các hệ thống con, thành phần và bộ phận và chúng tôi đang chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm sau khi chúng được lắp ráp".

"Tiếp theo đó, chúng tôi sẽ bắt đầu phát triển mẫu kính thiên văn và bắt đầu nghiên cứu các bộ phận bay. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm với nền tảng Xuntian và thử nghiệm tại căn cứ phóng, trước khi nó được phóng", ông Xu nói với CCTV.


Một trạm vũ trụ hình chữ T lơ lửng trên Trái đất. (Ảnh: Space.com)

Câu hỏi mở

Trong khi các nhà lãnh đạo cơ quan vũ trụ Trung Quốc tự hào về khả năng của Xuntian, một số nhà nghiên cứu quốc tế vẫn tỏ ra nghi ngờ.

Tom Brown - nhà thiên văn học và người đứng đầu Văn phòng Sứ mệnh Hubble tại Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian (STScI) ở Baltimore, Maryland, Mỹ - cho biết: "Đối với các cơ sở mở cửa cho cộng đồng khoa học quốc tế, chẳng hạn như Hubble hoặc Webb, chúng tôi cung cấp tài liệu và phần mềm quan trọng để các nhà nghiên cứu có thể lên kế hoạch cho các chương trình khoa học một cách tối ưu".

Ông Brown nói với Space.com rằng: "Ngược lại, không có nhiều thông tin công khai về khả năng cụ thể của Kính viễn vọng Trạm Vũ trụ Trung Quốc, vì vậy rất khó để đánh giá xem nó sẽ cho phép các cuộc nghiên cứu tương tự như thế nào".

Từ những thông tin ít ỏi đã được tiết lộ, ông Brown cho biết, có vẻ như Kính viễn vọng Trạm Vũ trụ của Trung Quốc sẽ có trường nhìn lớn hơn Hubble, nhưng gương nhỏ hơn, diện tích thu thập ánh sáng và độ phân giải không gian thấp hơn.

Độ phân giải quang phổ dường như thấp hơn đáng kể so với độ phân giải trên Hubble và Xuntian không mở rộng đến vùng tử ngoại xa, tức là dưới 200 nanomet.

Ông Brown cho biết: "Có rất nhiều câu hỏi mở vào thời điểm này, bao gồm cả việc liệu kính viễn vọng đặt trên không gian có thể được phóng thành công hay không, liệu nó có thể được duy trì trong môi trường trạm vũ trụ hay không, thời gian quan sát cũng như cách thức dữ liệu sẽ được hiệu chỉnh ra sao".

Ông Brown nói: "Hubble tiếp tục dẫn đầu lĩnh vực này theo mọi cách để đo lường giá trị của một cơ sở nghiên cứu đẳng cấp thế giới, theo đuổi các dự án đột phá trong mọi lĩnh vực vật lý thiên văn. Tôi tò mò muốn biết câu chuyện về Kính viễn vọng Trạm Vũ trụ Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào".

Cập nhật: 12/10/2023 Phụ Nữ Số
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video