Ngày 27/9, tờ Nhân dân nhật báo ấn bản hải ngoại đưa tin Chủ nhiệm Văn phòng Công trình vũ trụ chở người Trung Quốc Vương Triệu Diệu hôm 26/9 cho biết theo kế hoạch, Thiên Cung 2 sẽ được phóng vào năm 2016 và sau đó sẽ tiến hành lắp ghép với tàu vũ trụ Thần Châu 11 và tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 1 được phóng sau đó.
>>> Trung Quốc sẽ mở cửa trạm vũ trụ cho nước ngoài
Tên lửa Trường Chinh 2F mang theo module Thiên Cung -1 rời bệ phóng ở Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan, tỉnh Cam Túc ngày 29/9/2011. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoài ra, các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu cải tạo Thiên Cung 2 thành “phòng thực nghiệm không gian” trên cơ sở Thiên Cung 1 để tăng cường chức năng nghiệm chứng, sửa chữa kỹ thuật trên quỹ đạo và nghiên cứu chế tạo mới một loạt thiết bị đi kèm.
Theo quan chức trên, trong 3 năm vận hành trên quỹ đạo, trạm không gian Thiên Cung 1 có nhiệm vụ lắp ghép trên không gian đã đạt được những kết quả khả quan.
Theo đó, kể từ khi được phóng vào quỹ đạo ngày 29/9/2011, Thiên Cung 1 đã 6 lần hoàn thành việc lắp ghép tự động và lắp ghép bằng thao tác của phi hành gia với tàu vũ trụ Thần Châu, đồng thời triển khai một loạt thực nghiệm khoa học, thí nghiệm kỹ thuật và ứng dụng không gian, phát huy vai trò quan trọng trong lĩnh vực điều tra tài nguyên đất đai và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
Hiện nay, Thiên Cung 1 đang ở trong trạng thái vận hành tốt, có đủ điều kiện tiếp tục làm việc trong quỹ đạo và được các bộ ngành của Trung Quốc theo dõi, giám sát, bảo vệ và quản lý một cách khoa học để có thể kéo dài thời gian vận hành trên quỹ đạo.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.