Trung Quốc lần đầu tiên nuôi cấy tế bào gốc gấu trúc khổng lồ

Lần đầu tiên, các nhà khoa học Trung Quốc đã nuôi cấy tế bào gốc của gấu trúc khổng lồ. Việc làm này ​​sẽ hỗ trợ việc nghiên cứu đặc tính của gấu trúc cũng như điều trị bệnh cho loài động vật mà Trung Quốc gọi là “Quốc bảo” này, đồng thời cho thấy tiềm năng của công nghệ tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC) trong việc bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Nghiên cứu này do các nhà khoa học của Viện Y sinh và Sức khỏe Quảng Châu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Cơ sở Nghiên cứu Nhân giống Gấu trúc khổng lồ Thành Đô thực hiện. Bài viết về nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances hôm 20/9.


Cặp gấu trúc khổng lồ được tặng cho Hong Kong. (Ảnh: Trung tâm bảo tồn và nghiên cứu gấu trúc khổng lồ Trung Quốc).

Theo Tiến sĩ Lưu Tinh, một tác giả của nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân lập các tế bào nguyên bào sợi sơ cấp từ các mẫu tế bào lấy từ một con gấu trúc khổng lồ cái và một con gấu trúc khổng lồ đực ở căn cứ Thành Đô. Sau đó, họ tạo ra tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC) của gấu trúc khổng lồ (GPiPSC) bằng phương pháp lập trình lại vector episomal không tích hợp.

Nghiên cứu cho biết, GPiPSC cho thấy khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, đánh dấu sự đóng góp đáng chú ý vào nguồn tài nguyên cho các nghiên cứu cơ bản về gấu trúc khổng lồ.

Trong tương lai, GPiPSC còn có thể được dùng để nuôi cấy các tế bào và cơ quan chức năng của gấu trúc khổng lồ để điều trị bệnh lâm sàng cũng như nghiên cứu bệnh lý và sinh lý của loài động vật này, đồng thời có thể sản xuất ra tinh trùng và trứng, giúp thụ tinh nhân tạo gấu trúc khổng lồ.

GPiPSC cũng có thể được dùng để tạo ra phôi gấu trúc khổng lồ trong phòng thí nghiệm. Do vậy, ông Lưu Tinh hy vọng một ngày nào đó những phôi này có thể được sử dụng để sinh ra những con gấu trúc khổng lồ bằng phương pháp mang thai hộ. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước vì đây là lần đầu tiên công nghệ iPSC được áp dụng ở gấu trúc khổng lồ.

Trung Quốc đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc bảo vệ gấu trúc khổng lồ và môi trường sống của chúng. Số lượng gấu trúc khổng lồ hoang dã đã tăng từ khoảng 1.100 con vào những năm 1980 lên gần 1.900 con hiện nay, theo số liệu do Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên Quốc gia nước này công bố hồi đầu năm.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn gặp phải một số khó khăn và thách thức trong việc bảo tồn loài động vật này, như gấu trúc cái chỉ có khả năng thụ tinh trong hai hoặc ba ngày mỗi năm, khiến chúng khó sinh sản thành công.

Theo nhóm nghiên cứu, công nghệ iPSC đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn trong việc bảo tồn nguồn gene và khám phá đặc điểm của các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Cập nhật: 26/09/2024 VOV
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video