Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch phóng tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 5 trong năm 2017, Tân Hoa xã dẫn Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cho hay.
"Việc phát triển tàu Hằng Nga 5 đang được tiến hành suôn sẻ", phát ngôn viên của Ủy ban, Wu Zhijian, cho biết trong một cuộc họp báo vào hôm nay 16/12.
Sau thành công của tàu Hằng Nga 3 vừa đáp lên bề mặt mặt trăng và thả tàu tự hành Thỏ ngọc ra để thám hiểm "chị Hằng", chương trình mặt trăng đầy tham vọng của Trung Quốc (gồm ba giai đoạn là quỹ đạo, hạ cánh, cất cánh) đã hoàn tất giai đoạn hai.
Ở giai đoạn ba, Trung Quốc sẽ phóng hai tàu Hằng Nga 5 và Hằng Nga 6 bay đến đáp xuống bề mặt mặt trăng, thu lấy mẫu vật gồm đất, đá... rồi cất cánh mang chúng trở về Trái đất.
Tàu thăm dò Hằng Nga 3 đang có mặt trên mặt trăng - (Ảnh: AFP)
Giai đoạn ba của chương trình sẽ khó khăn hơn bởi nhiều thách thức công nghệ phải vượt qua như tàu thăm dò cất cánh từ bề mặt mặt trăng, thu giữ và đóng gói mẫu vật, lắp ghép trên quỹ đạo mặt trăng, trở về Trái đất với tốc độ cao. "Tất cả đều mới đối với Trung Quốc", người phát ngôn Wu Zhijian cho biết.
Cũng theo Wu Zhijian thì tàu thăm dò dự bị của Hằng Nga 3 là Hằng Nga 4 sẽ được điều chỉnh để kiểm tra các công nghệ của Hằng Nga 5.
Được biết, trước sứ mệnh Hằng Nga 3, đất nước đông dân nhất hành tinh đã hai lần gửi tàu thăm dò bay đến quỹ đạo vệ tinh tự nhiên của Trái đất là Hằng Nga 1 và Hằng Nga 2.
Vào tháng 10/2007, tàu Hằng Nga 1 bay vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3A. Con tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc này đã gửi về Trái đất một số hình ảnh bề mặt "chị Hằng" trước khi kết thúc sứ mệnh với việc đâm vào mặt trăng sau 16 tháng chu du trong không gian.
Tiếp đó, vào tháng 10/2010, tàu Hằng Nga 2 rời bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tây nam tỉnh Tứ Xuyên để bay đến quỹ đạo mặt trăng cùng sứ mệnh vẽ bản đồ chi tiết về vệ tinh này.
Trong tham vọng không gian của mình, Trung Quốc dự tính sẽ gửi người lên mặt trăng vào năm 2020.