Không chỉ muốn xây dựng máy gia tốc hạt lớn mà bây giờ các nhà khoa học Trung Quốc còn phóng vệ tinh mang tên DAMPE nhằm nghiên cứu vật chất tối trong vũ trụ. Vệ tinh này đã được đưa thành công lên quỹ đạo địa tĩnh với độ cao 500km bằng tên lửa đẩy Long March do Viện công nghệ tên lửa và Tập đoàn công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc phát triển.
DAMPE (Dark Matter Particle Explorer - tạm dịch "vệ tinh khám phá hạt vật chất tối") được tuyên bố là một chiếc kính vũ trụ không gian mạnh mẽ, được chế tạo đặc biệt để phát hiện các tia gamma năng lượng cao, các electron và các tia vũ trụ. Một khi đã đi vào hoạt động, nó sẽ quan sát vào các "góc của vũ trụ", nơi được cho là có sự "ẩn nấp" của vật chất tối.
Vệ tinh này đã được đưa thành công lên quỹ đạo địa tĩnh với độ cao 500km.
Hiện tại các nhà thiên văn học vẫn chưa biết được chính xác vật chất tối là gì, nhưng một số giả thuyết đáng tin cậy cho rằng nó được tạo thành từ các hạt tương tác yếu (WIMPs). Đây là các hạt rất khó để phát hiện ra trong vũ trụ bởi chúng không phát ra ánh sáng, dễ bị hủy diệt vởi các tia gamma năng lượng cao hoặc các hạt mang điện. Lần này, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố rằng DAMPE là chiếc kính viễn vọng không gian có độ phân giải cao nhất trong việc tìm kiếm vật chất tối, có thể phát hiện ra các hạt tương tác yếu nói trên.
Giáo sư Fan Yizhong, thành viên trong nhóm phát triển DAMPE cho biết: "DAMPE sẽ đo lường quang phổ tia gamma và tia vũ trụ ở độ phân giải năng lượng rất cao và sau đó sẽ tìm kiếm các tín hiệu của sự phân hủy của vật chất tối nếu có". Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng công việc này có thể mất rất nhiều năm và trong một ví von, họ ví đây giống như việc đi tìm một con kỳ lân vậy.