Trung Quốc hôm 26/12 chính thức mở tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới từ Bắc Kinh tới Quảng Châu, và dự kiến còn nối tuyến tới Hong Kong.
>>> Video: Chạy thử tàu cao tốc nhanh nhất thế giới
Theo CCTV, con tàu đầu tiên đi từ Bắc Kinh tới Quảng Châu rời nhà ga Tây Bắc Kinh vào 9 giờ sáng nay như dự kiến. Những con tàu sẽ chạy với vận tốc 300km/h, giảm thời gian di chuyển từ 21 giờ xuống còn 8 giờ, theo Bộ Đường sắt Trung Quốc.
Tuyến đường mới với chiều dài kỷ lục là 2.300km và dự kiến còn nối tới tận Hong Kong. Tại đặc khu hành chính này, khoảng 8.000 công nhân đang tham gia xây dựng một tuyến đường sắt ngầm dài 26km, chạy từ trung tâm Hong Kong tới địa phận Trung Quốc đại lục và nối với tuyến Bắc Kinh - Quảng Châu, công ty xây dựng MTR Corp 66 cho hay.
Mối liên kết trị giá 8,6 tỷ USD này "sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa nhập về kinh tế, xã hội của Hong Kong với các thành phố ở đồng bằng Châu Giang, cũng như các thành phố lớn ở Trung Quốc lục địa", Bloomberg dẫn lời MTR cho biết. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2015, và có thể chuyên chở 99.000 khách một ngày trong năm 2016.
Bản đồ tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Quảng Châu (màu đỏ, chính giữa)
trong số các tuyến đường sắt cao tốc khác của Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Quảng Châu là một phần của kế hoạch xây dựng 16.000km đường sắt cao tốc đến năm 2015, bất chấp vụ tai nạn tàu cao tốc gây chết người năm ngoái. Tuyến đường có 35 điểm dừng và được xây dựng để tàu có thể đạt vận tốc 350km/h. Dịch vụ mới có thể thu hút khách của các hãng hàng không và khiến một số công ty hạ giá vé, theo phân tích của công ty Barclays Plc.
Trung Quốc thời gian gần đây đã tăng đầu tư vào các dự án đường sắt, khi chính phủ nước này đang cố gắng thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước Trung Quốc đầu tháng này cũng phê duyệt kế hoạch xây dựng tàu điện ngầm trị giá 10 tỷ USD ở thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam.