Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, nhà máy này sẽ sản xuất hàng nghìn con bò nhân bản vô tính, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt bò của đất nước đông dân nhất thế giới.
Trung Quốc xây dựng nhà máy nhân bản động vật
Theo Guardian, Xu Xiaochun, giám đốc điều hành của Tập đoàn Boyalife cho biết họ đã đầu tư 31,3 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Thiên Tân, thành phố cảng cách Bắc Kinh khoảng 160km về phía bắc. Nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào năm sau.
"Chúng tôi đang đi con đường chưa ai từng đi", ông này nói. "Chúng tôi đang xây dựng cái chưa từng có trong quá khứ".
Nhà máy nhân bản động vật sắp đi vào hoạt động năm 2016 ở Thiên Tân. (Ảnh: Boyalife).
Nhà máy rộng 14.000m2, tập trung vào nhân bản bò để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt bò đang tăng vọt ở Trung Quốc. Giá thịt bò ở Trung Quốc đã tăng gấp ba lần, kể từ năm 2000 đến 2013, trong khi nguồn cung luôn thiếu.
Boyalife hy vọng sẽ sản xuất được 100.000 con bò nhân bản chất lượng tốt trong giai đoạn đầu, và tăng lên một triệu con trong giai đoạn hai. Ngoài ra, nhà máy cũng sẽ nhân bản những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.
"Điều này sẽ thay đổi thế giới và cuộc sống của chúng ta", Xu nói. "Nó sẽ làm cuộc đời tươi sáng hơn. Do đó, chúng tôi rất hào hứng với dự án này".
Nhà máy là bước mới nhất trong nỗ lực trở thành người tiên phong trong lĩnh vực nhân bản của Trung Quốc. Các nhà khoa học nước này từng nhân bản bò, lợn, cừu thành công. Thậm chí, một công ty ở Thâm Quyến còn nhân bản vô tính trên quy mô công nghiệp được 500 con lợn mỗi năm.
"Chúng tôi có thể nhân bản trên quy mô lớn", Yutao Du, một nhà khoa học thuộc dự án Thiên Tân cho biết. Nhà máy ở Thiên Tân là đối tác của công ty Công nghệ sinh học Soam, một công ty Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul, giám đốc điều hành là Hwang Woo-suk, được mệnh danh là "ông vua nhân bản".
Ở Trung Quốc, nơi xảy ra nhiều vụ bê bối lớn về an toàn thực phẩm, các phương tiện truyền thông nhà nước đang tìm cách thuyết phục người dân tiêu thụ gia súc nhân bản của Xu là cực kỳ an toàn.
Trung Quốc hy vọng nhà máy mới sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thịt bò của người dân nước này. (Ảnh: AP).
"Thịt bò từ gia súc nhân bản vô tính an toàn đối với sức khỏe con người", Zhang Yong, giáo sư ngành thú y, đại học Bách khoa Nông lâm Tây Bắc, tỉnh Thiểm Tây, cho biết.
"Tôi có thể nói rằng, thịt bò nhân bản vô tính là món thịt bò ngon nhất tôi từng ăn", giám đốc của Boyalife nói.
Thịt và sữa gia súc nhân bản vô tính được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDI) xếp loại an toàn, và cho phép sản xuất bày bán rộng rãi từ năm 2008. Lúc đó, nhiều tổ chức bảo vệ động vật và người tiêu dùng bày tỏ lo ngại trước sự an toàn của loại thực phẩm này đối với sức khỏe con người.
Tuy nhiên, theo Scientific America, chưa có thử nghiệm lâm sàng nào được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của thịt và sản phẩm từ gia súc nhân bản vô tính tới con người.