Trước nguy cơ đại dịch cúm toàn cầu: Ngổn ngang trăm mối

Mặc cho những cảnh báo về đại dịch cúm gia cầm có khả năng bùng phát, người dân và cả các cơ quan chức năng ở một số địa phương vẫn ơ hờ hoặc chưa thực hiện những biện pháp quyết liệt trong việc phòng chống.

Kiểm dịch qua loa

Gà vịt đang được giết mổ ngay trên những đống phân và lông gà tại chợ Long Biên (Hà Nội) chiều 24-10

Tình trạng vận chuyển và buôn bán gia cầm không thông qua kiểm dịch vẫn diễn ra nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2g chiều 24-10, mặc dù không phải là giờ cao điểm của việc vận chuyển và giết mổ nhưng tại chợ đầu mối Long Biên, các hoạt động mua bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm vẫn diễn ra khá nhộn nhịp. Những người bán hàng đang tranh thủ lúc vắng khách ăn nắm xôi, lại có người tranh thủ ngả lưng trên chiếc võng mắc ngang qua phía trên những lồng gà và những đống phân, lông và lòng gà lẫn lộn chưa được dọn vẫn còn tấp đống, ủ từ sáng.

Trên mặt đất, ngập giữa những đống rác thải từ gia cầm là rất nhiều xô, chậu đựng lòng, tiết lều phều trên mặt nước, khiến những người đi chợ rất ngại bước qua khu vực này. Người bán bảo đó là “hàng” để đổ cho các nơi bán đồ ăn đêm trong phố. Ngày nào họ cũng lấy thịt và lòng, mề ở đây.

Một chiếc xe tải loại nhỏ đang đỗ giữa chợ chờ đám đông người rửa từng bao tải đựng lông gia cầm bốc hàng lên xe. Từng chậu nước to được đổ vào những bao tải chứa đầy lông để rửa rồi vứt lên xe, nước chảy thành dòng len lỏi sang các khu bán hàng khô đem theo rác thải của khu giết mổ đã bốc mùi nồng nặc.

Một phụ nữ đang bốc hàng cho biết: “Lông này được chở về làng Triều Khúc, Hà Tây (nghĩa là chiếc xe đem theo những bao lông và dòng nước chảy tong tỏng đầy mùi xú uế và mất vệ sinh này sẽ chạy qua các phố phường của Hà Nội), phơi khô rồi đem bán sang Trung Quốc”...

Tại chợ Hàng Bè, các hộ kinh doanh gia cầm ở tầng một, còn ngay gác xép là nơi sinh hoạt, ăn ở của “khổ chủ”.

Các biển cấm buôn bán gia cầm được dựng ở nhiều nơi. Quan sát thật kỹ, chúng tôi thấy hầu hết các bu, lồng chứa ngan, gà, vịt bày la liệt trên mặt đất đều không dán tem kiểm dịch. Hơn nữa, công tác kiểm dịch nơi đây “nhanh như chảo chớp”, một chị nhân viên kiểm dịch đội mũ lụp xụp và đeo khẩu trang kín mặt “uể oải” cầm con dao nhỏ, tay không đeo găng, lật lật mấy con gia cầm rồi… đóng dấu. Thế là xong qui trình kiểm dịch.

Hàng trăm con gà, vịt, ngan… các loại không dán tem kiểm dịch được đem ra giết mổ ngay tại khu bán gia cầm sống mà không được đem vào khu giết mổ như đã qui định.

Không thể kiểm soát nổi!

Sẽ cấm ăn tiết canh gia cầm

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm cho biết sẽ cấm ăn tiết canh gia cầm, cấm ăn trứng và sản phẩm gia cầm chưa xử lý chín. Qui định này có thể sẽ được ban hành cùng qui định cấm chăn nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị, khu công nghiệp, khu dân cư có mật độ dân số cao; cấm nuôi vịt chạy đồng tự do, cấm thả rông gia cầm...

K.HƯNG

Tại khu vực buôn bán gia cầm chợ Bến Tre chiều 24-10, chị Võ Thị Tuyết, bán gia cầm sống nói: “Chúng tôi đã nghỉ bán rồi đấy chứ. Nhưng không hiểu sao cách đây ba ngày lại nghe thông báo cho bán lại, nên đùm túm trở ra chợ. Thú y cũng có mặt kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch bình thường chứ có cấm gì đâu!”.

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ khoảng 10% số gà, vịt được bày bán ở chợ Bến Tre chiều qua là có đóng dấu kiểm dịch của thú y. Nói tới chuyện kiểm dịch, chị Võ Thị Tuyết bức xúc: “Kiểm dịch kiểu của mấy ổng cũng như không, đưa con nào cũng đóng dấu hết. Hôm rồi tui đưa con vịt chết, mấy ổng cũng đóng tuốt luốt”.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ chiều 24-10, ông Nguyễn Quốc Bảo - phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết tuy tỉnh có thông báo cấm tái lập đàn gia cầm từ tháng 6-2005 đến cuối năm nay, đồng thời yêu cầu không được sử dụng gia cầm làm thực phẩm trong thời gian tiêm phòng, việc vận chuyển gia cầm phải được phép của thú y…

Tuy nhiên trên thực tế chỉ có thể làm tốt ở thị xã Bến Tre và các thị trấn; còn ở vùng sâu, vùng xa thì không thể kiểm soát nổi. Do chưa xảy ra dịch nên không thể cấm buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm được.

Trong chiều qua, trao đổi với Tuổi Trẻ, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên cho biết đến nay tỉnh đã tiêm phòng văcxin được 92% trên tổng đàn 2,3 triệu con. Ông Nguyên thừa nhận công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở Long An thời gian qua dù có tập trung, nhưng thực tế không thể kiểm soát được.

Hiện các ngành chức năng tỉnh Long An đã trình UBND tỉnh phương án khen thưởng người phát hiện, tố giác những trường hợp lén lút ấp trứng, tái đàn. UBND tỉnh đang nghiên cứu đề xuất này và có khả năng sẽ ký ban hành trong thời gian tới.

HOÀNG MAI - THU HÒA - VÂN TRƯỜNG

Phải quyết liệt trong phòng chống cúm gia cầm

Tại buổi họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 24-10, ông Bùi Bá Bổng, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), khẳng định phải áp dụng các biện pháp phòng chống một cách quyết liệt nhất để ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh.

Tính đến nay, hai địa phương đã hoàn tất việc tiêm phòng văcxin mũi thứ hai cho gia cầm là Nam Định và Tiền Giang với tổng số 13,6 triệu lượt gia cầm được tiêm. 37 địa phương khác đang triển khai tiêm văcxin cho 48,4 triệu con gia cầm. Đến hết ngày 23-10, đã có 20,5 triệu liều văcxin H5N1 được nhập về từ Trung Quốc và Bộ NN&PTNT đang phân phối theo thứ tự ưu tiên những tỉnh có nguy cơ cao thuộc khu vực ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, ông Bổng nhấn mạnh: “Nếu không thực hiện tốt các biện pháp quản lý giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng thì tiêm văcxin sẽ không có tác dụng”. Do đó đối với việc qui hoạch hệ thống chăn nuôi, giết mổ gia cầm, ông Bổng cho biết sẽ tập trung triển khai tại các TP lớn và đông dân như Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương, Hạ Long, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, TP.HCM, Biên Hòa. Theo đó, sẽ kiên quyết không để xảy ra tình trạng chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trong nội thành, nội thị, khu đông dân cư.

KHIẾT HƯNG

Theo Tuổi trẻ Online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video