Một dịch vụ truyền hình trên nền Internet (IPTV) sử dụng ngôn ngữ cơ thể và dành riêng cho khán giả khiếm thính vừa chính thức ra mắt tại Anh.
Kênh VeeSee TV sẽ phát sóng các chương trình thời sự và giải trí theo chuẩn của Ngôn ngữ hình thể hệ Anh (BSL), 24/24h. Người xem có thể theo dõi kênh này trên màn hình máy tính hoặc thông qua đầu thu kỹ thuật số thông thường.
Susie Grant, một phiên dịch viên của ngôn ngữ dành cho người khiếm thính BSL, đã nảy ra ý tưởng về VeeSee sau khi quá thất vọng với cách đối xử của truyền hình đại chúng đối với khán giả khuyết tật.
Có thể nói, VeeSee là kênh truyền hình đầu tiên trên thế giới dành cho người khiếm thính, và để nâng cao tính tương tác với khán giả, kênh này còn có phần diễn đàn và phát sóng cả những nội dung do người dùng tự tạo.
"Tôi đã gặp rất nhiều người tài năng, thậm chí là thiên tài nhưng chỉ vì mất khả năng thính giác mà họ không có cơ hội thể hiện mình", cô Grant chia sẻ. "Những rào cản này tồn tại chủ yếu chỉ vì vấn đề giao tiếp - Các kênh truyền hình đại chúng hầu như quên hẳn đối tượng công chúng này trong lịch phát sóng của họ".
Cũng theo lời Susie, các nhà làm phim khiếm thính sẽ có cơ hội gửi tác phẩm của họ về đài và nếu vượt qua được yêu cầu về chất lượng, những tác phẩm này sẽ được trình chiếu miễn phí trên VeeSee.
"VeeSee là một dẫn chứng cho thấy IPTV có thể vươn tới những thị trường, những đối tượng khán giả mà truyền hình cáp và vệ tinh truyền thống bất lực", đạo diễn Jamie Branson của VeeSee tuyên bố.
Quà tặng tuyệt vời
Nguồn: BBC |
Một khi hoạt động của VeeSee đã đi vào ổn định, các thuê bao của kênh sẽ có thể giao tiếp với nhau, thông qua webcam và ngôn ngữ BSL.
"Cho phép người khiếm thính "trò chuyện" thoải mái với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể, trên một website dành cho chính họ, đấy chính là quà tặng tuyệt vời dành cho cộng đồng người khiếm thính trên toàn thế giới", Susie cho biết.
Yvonne Cobb, một khán giả của VeeSee ngay từ những ngày đầu tiên, cho biết cô truy cập vào website này mỗi ngày và đối với cô, VeeSee cũng quan trọng như cơm ăn nước uống vậy.
"VeeSee giúp chúng tôi thật sự hiểu được những nội dung phát sóng, xem truyền hình đã trở nên thú vị và hấp dẫn hơn rất nhiều. Quả là một sự khác biệt lớn".
Ngoài thưởng thức các nội dung phong phú, Yvonne còn lên website của VeeSee để rao bán những đĩa DVD mà cô sản xuất riêng cho các em bé chẳng may bị khiếm thính. "Chúng tôi có cơ hội kiếm tiền, nhưng cao hơn, đó là một cách tốt để cộng đồng khiếm thính hỗ trợ lẫn nhau".
Trọng Cầm