Túi nâng ngực có hạn sử dụng không, vì sao lại bị vỡ?

Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), cho biết, hiện nay ngày càng nhiều chị em có nhu cầu đi nâng ngực.

Đối tượng đặt túi nâng ngực thường là nhóm tuổi trẻ 18-35 tuổi, mục đích để làm đẹp. Có trường hợp bố mẹ chủ động đưa con gái mới tốt nghiệp cấp 3 đi nâng ngực để con tự tin hơn trong cuộc sống.

Loại túi được dùng để nâng ngực là loại túi silicon dạng gel nên rất chắc và bền, còn loại túi silicone nước biển chỉ sử dụng trong phẫu thuật giãn da. Vì thế, theo TS Hải, đa phần các trường hợp bị vỡ túi là do tác động lực mạnh từ bên ngoài vào vùng ngực như chấn thương ngã, tai nạn, bị đánh..., va đập có thể một hoặc nhiều lần hoặc do vật sắc nhọn đâm vào ngực.


Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải lưu ý sau khi đặt túi nâng ngực, chị em nên đi khám định kỳ 5 năm một lần. (Ảnh: N.K).

"Một nguyên nhân nữa có thể gây vỡ túi ngực là do co bao xơ ngực. Khi đặt túi, cơ thể tạo ra bao xơ mỏng quanh túi ngực để tạo thành khoang cố định túi ngực. Do một nguyên nhân nào đó (chảy máu, tụ máu, viêm, phản ứng dị ứng của cơ thể, va chạm mạnh) mà bao này dày lên, cứng lại, càng ngày càng co nhỏ gây biến dạng ngực. Nếu bao quá dày, co rất mạnh sẽ gây biến dạng túi silicone ngực, có thể gây vỡ túi", chuyên gia nói.

Khi vỡ, túi gel silicone tràn ra khỏi túi từ từ, có thể vẫn nằm trong bao túi ngực hoặc xâm nhiễm ngoài bao ra mô xung quanh túi gây viêm cứng mô xung quanh.

Thực tế cũng không có chuyện đi máy bay bị vỡ túi nâng ngực như nhiều người đồn thổi. Những hành động như bóp, va chạm, ngã có thể ảnh hưởng đến túi nâng ngực nếu bóp quá mạnh quá đau, ngã đập ngực vào vật cứng…

TS Hải cũng lưu ý thêm, tất cả các vật liệu khi đưa vào cơ thể đều có hạn sử dụng. Theo những nghiên cứu trên số lượng túi nâng ngực, giới chuyên môn khuyến cáo nên thay túi sau 10 đến 15 năm.

Một số biến chứng muộn có thể xảy ra sau khi đặt túi là co bao xơ ngực (gây biến dạng ngực, ngực không cân đối, gồ ghề, gây đau), khó khăn cho con bú hoặc tiết ít sữa, gây mất cảm giác đầu ti, dị ứng muộn, sẹo mổ phì đại, lồi (dày chắc, đau ngứa), chảy máu thứ phát do va đập (gây thâm tím, nhiễm trùng).


Túi nâng ngực.

Vì thế, sau khi đặt túi nâng ngực, chị em lưu ý đi khám định kỳ 5 năm một lần. Khi có nhu cầu đi nâng ngực, chị em cần được tư vấn rõ về vật liệu độn, cách thức phẫu thuật (đường mổ, vị trí đặt túi…), bác sĩ phẫu thuật (có chứng chỉ, kinh nghiệm...), phẫu thuật tại cơ sở được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc hậu phẫu, bảo hành, biến chứng có thể xảy ra, cách xử lý, giá thành…

Để nâng ngực, chị em có thể chọn các phương pháp khác như tiêm mỡ tự thân, sử dụng túi độn ngực, phẫu thuật chuyển vạt vi phẫu đối với một số trường hợp mất tuyến vú do cắt bỏ...

"Đặc biệt lưu ý chị em không vì ham rẻ, nghe theo lời quảng cáo mà tiêm filler để nâng ngực. Tiêm filler mang hiệu quả nhanh chóng, song chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai..., không phù hợp để độn mông, ngực", TS Hải nhấn mạnh.

Cập nhật: 25/04/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video