Văcxin phòng H5N1 sẽ vô dụng với đại dịch

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo những loại văcxin phòng chống bệnh cúm gà cho người đang được phát triển hiện nay sẽ không mấy tác dụng một khi đại dịch xảy ra. Nguyên nhân là chúng không nhắm trúng đối tượng.

"Chúng tôi rất khuyến khích một số nước phát triển văcxin cúm gà cho người", tiến sĩ Henk Bekedam, đại diện của WHO tại Trung Quốc cho biết, "song chúng tôi rất biết rằng có lẽ văcxin đó không có hiệu quả cho một đại dịch".

Mặc dù virus cúm gà H5N1 hiện nay có khả năng truyền bệnh từ gia cầm sang người, song vẫn chưa có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Vì thế, "nó không thể trở thành tác nhân gây đại dịch ở người. Kể cả khi H5N1 có trở thành 'kẻ tiền nhiệm' của một chủng gây đại dịch, nó cũng phải trải qua một loạt thay đổi mang tính quyết định", do đó loại văcxin có hiệu lực với nó chưa chắc đã đối phó với thế hệ con cháu, Bekedam nhận định.

Khá nhiều công ty trên thế giới đang nỗ lực phát triển văcxin chống H5N1, song chỉ nhắm vào loại virus tấn công gia cầm, không phải siêu vi trùng đột biến đáng sợ trong tương lai.

Trung Quốc tuần trước tuyên bố đã phát triển được cho người và sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trong những ngày tới. Loại văcxin này đã chứng tỏ tính an toàn và hiệu quả trên chuột, hãng tin Tân Hoa Xã trích lời một quan chức chịu trách nhiệm giám sát nghiên cứu. Theo giới chuyên môn thì văcxin H5N1 sẽ rất có ích trong việc bảo vệ những người tiếp xúc tương đối gần với gia cầm bệnh như nông dân, công nhân tiêu huỷ và bác sĩ thú y.

Bộ Y tế Việt Nam cũng có quan điểm tương tự WHO về tác dụng của loại văcxin phòng H5N1 trên người. Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh, nếu một đại dịch cúm xảy ra với tốc độ lây lan nhanh từ người này sang người khác thì virus gây dịch chắc chắn không phải H5N1 mà là một chủng hoàn toàn mới. Như vậy, văcxin phòng H5N1 nếu được sản xuất thành công cũng không có tác dụng ngăn ngừa đại dịch. Nhân loại cũng không thể chuẩn bị một loại văcxin nào có khả năng chống lại chủng virus của tương lai. Trong lịch sử, virus gây dịch cúm biến đổi thường xuyên và rất nhanh, vì vậy công tác sản xuất văcxin luôn phải chạy sau theo chúng mà không thể "đi tắt, đón đầu".

Tuy nhiên, theo ông Huấn, việc nghiên cứu sản xuất văcxin phòng H5N1 như Việt Nam đang làm vẫn rất cần thiết, vì chủng virus này vẫn tồn tại và gây nguy hiểm cho con người. Khi sản xuất thành công, nó sẽ được dùng cho những người có nguy cơ cao nhiễm cúm gia cầm như người tiếp xúc với gia cầm bệnh, sống trong vùng dịch, làm công tác tiêu hủy gia cầm. "Việc sản xuất văcxin phòng H5N1 cho gia cầm cũng vô cùng quan trọng vì chúng ta không thể giải quyết dịch cúm H5N1 trong vòng một vài năm. Châu Á, trong đó có Việt Nam, là nơi nuôi nhiều gia cầm, và virus có thể tồn tại trong môi trường khá lâu. Do đó, song song với việc nghiên cứu sản xuất văcxin cho người, các nhà khoa học Việt Nam cũng đang bắt tay vào nghiên cứu văcxin H5N1 cho gia cầm" - ông Huấn nói.

Mỹ Linh - Thanh Nhàn

Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video