Một vệt đen khổng lồ hình trái tim lóe ra quầng lửa sáng rực trên Mặt Trời, khiến liên lạc vô tuyến trên Trái Đất tạm thời gián đoạn.
Theo Space, quầng lửa bùng lên vào lúc 0 giờ 29 phút hôm 18/4 từ một vệt đen siêu lớn mang tên khu vực đang hoạt động AR 2529, với kích thước đủ để xếp vừa 5 Trái Đất. Tàu vũ trụ Solar Dynamics Observatory của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ghi lại hình ảnh thú vị về quầng lửa khi nó xảy ra.
Vụ phun trào gây ra tình trạng mất sóng vô tuyến ở quy mô vừa tại một số nơi, theo các nhà chức trách từ Trung tâm Dự báo Khí hậu Vũ trụ trực thuộc Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ.
Vệt đen hình trái tim AR 2529 trên bề mặt Mặt Trời. (Ảnh: NASA).
Quầng lửa trào ra hôm 18/4 nằm ở cấp M6.7 trong thang phân loại mà các nhà khoa học sử dụng. Theo hệ thống phân loại này, quầng lửa cấp C là yếu nhất, M là độ mạnh trung bình và X là mức dữ dội nhất. Quầng lửa cấp X mạnh gấp 10 lần quầng lửa cấp M trong khi vụ phun trào M6 dữ dội hơn 6 lần so với M1.
Vệt đen là những khu vực sẫm màu trên bề mặt Mặt Trời có nhiệt độ thấp hơn các vùng xung quanh đôi chút. Vệt đen đóng vai trò như bệ phóng cho bão lửa Mặt Trời và các vụ phun trào nhật hoa (CME), làm bắn vào không gian những đám mây plasma siêu lớn với vận tốc hàng triệu km/h.
"Vệt đen AR 2529 đang thay đổi hình dáng và kích thước khi nó chậm rãi đi ngang qua bề mặt Mặt Trời trong gần hai tuần qua. Trong phần lớn thời gian, nó đủ lớn để có thể nhìn thấy từ mặt đất mà không cần kính phóng đại", đại diện NASA cho biết.