Vì sao bão Thần Sấm (Rammasun) cực mạnh?

Dù mới là cơn bão đầu mùa, hoạt động trên khu vực Bắc biển Đông hướng vào vịnh Bắc bộ nhưng bão Rammasun (Thần Sấm) đạt sức gió cực mạnh, cấp 14-15, giật cấp 16-17.

Đây là điều khá khác biệt với những cơn bão đầu mùa hoạt động ở Bắc biển Đông thường có sức gió yếu, di chuyển vòng vèo và có khả năng suy yếu nhanh hoặc tan trên biển. Lý giải điều này ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương - cho biết:

- Có nhiều yếu tố làm bão mạnh nhưng yếu tố đầu tiên chính là vùng nước biển có nhiệt độ cao. Nước biển từ 27 độ trở lên đã tạo điều kiện cho bão hình thành và phát triển. Nhưng hiện nay vùng bắc biển Đông nhiệt độ mặt nước biển đã lên 31 độ. Chính lượng bốc hơi từ mặt nước biển vào khí quyển sẽ tiếp thêm năng lượng cho bão.

Vì vậy với vùng biển ấm như Bắc biển Đông thì khả năng làm bão phát triển là rất lớn.


Ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương - (Ảnh: T.PHÙNG)

* Đây là cơn bão mạnh, hiếm gặp ở miền Bắc thưa ông?

- Cơn bão này mạnh nhất vào Vịnh Bắc bộ kể từ bão Sơn Tinh năm 2012. Bão cấp 12, giật cấp 13-14 rất hiếm gặp và nguy hiểm. Trên biển không tàu thuyền nào chịu được. Đất liền cây cối sẽ gãy đổ, nhà cấp 3-4 không chịu được. Trừ nhà có khung kiên cố.

* Đến sáng 18-7 hướng đi của bão có sự thay đổi thế nào?

- Đường đi của bão có sự khác biệt so với 17/7. Hôm qua bão có xu hướng đi vào giữa đồng bằng Bắc bộ nhưng hôm nay có xu hướng lệch hơn một chút về phía Bắc. Nghĩa là bão di chuyển vào phía Bắc Vịnh Bắc bộ và hướng vào Quảng Ninh, Hải Phòng. Vì vậy mưa tập trung chính ở vùng núi phía Bắc còn đồng bằng trung du mưa ít hơn.

Dự kiến đổ bộ tập trung chính vào Quảng Ninh và Hải Phòng nhưng các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc bộ và Thanh Hóa cũng ảnh hưởng gió mạnh từ cấp 6 trở lên.

* Bão đi hướng lên miền núi phía Bắc sẽ gây nguy cơ lũ quét rất lớn cho các tỉnh miền núi?

- Ngoài gió mạnh, sóng to trên biển và ven biển, đặc biệt cơn bão này sẽ gây lượng mưa rất lớn cho các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Các cơn bão đi vào biên giới Việt Nam - Trung Quốc thường gây ra những đợt mưa khủng khiếp ở vùng núi phía Bắc. Vì vậy các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đều có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.

Đặc biệt, lũ quét thường xảy ra vào ban đêm nên đồng bào ở những khu vực thấp cần di chuyển đến những nơi kiên cố hơn. Các mô hình dự báo cho thấy vùng núi phía Bắc vào đêm ngày 19 và 20/7 có mưa rất lớn với lượng mưa trung bình 200-300mm, có nơi 500mm nên nguy cơ sạt lở đất, lũ quét rất cao.

Cập nhật: 19/01/2016 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video