Vì sao các nước lại có ngôn ngữ khác nhau?

Từ rất lâu con người đã đặt ra câu hỏi này và cố gắng giải đáp vì sao con người lại nói nhiều thứ tiếng khác nhau.

Có thể bạn đã biết đến truyền thuyết về Tháp Babel. Trong Kinh thánh, câu chuyện về Tháp Babel kể rằng thuở sơ khai con người chỉ nói một thứ tiếng, nhưng Chúa đã giận dữ khi con người cố tình xây một ngọn tháp để cố leo lên thiên đàng mà Chúa lại không muốn như vậy. Vì thế Chúa làm cho con người nói các thứ tiếng khác nhau và phân tán họ đi các nơi khắp trên Trái Đất.


Có nhiều cách giải thích vì sao có nhiều ngôn ngữ, và cách nào cũng có phần đúng.

Người dân bản địa Absaroka ở Mỹ lại có một câu chuyện khác kể rằng một con sói đồng cỏ nhiều tuổi đã tạo nên loài người. Ban đầu, những người này nói cùng 1 thứ tiếng, nhưng về sau một con sói non nói với con sói già rằng loài người rất giỏi tạo xung đột, chiến tranh và nó thuyết phục con sói già làm cho con người phải nói nhiều thứ tiếng khác nhau để cho con người hiểu nhầm nhau và như thế sẽ đánh nhau và thể hiện được tài năng của mình.

Lại có một câu chuyện của người Jawoyn ở miền Bắc nước Úc. Ở đây người ta tin rằng con cá sấu Nabilil đi đến đâu thì đặt tên cho vùng đất đó và tạo ra một thứ ngôn ngữ riêng cho người dân ở đó nói.

Và còn rất nhiều câu chuyện khác nữa tương tự như vậy trên khắp thế giới.

Gần đây hơn, các nhà ngôn ngữ học đã cố gắng trả lời câu hỏi này. Thật ra thì có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được nguồn gốc của ngôn ngữ, nhưng chúng ta biết khá rõ sự khác biệt giữa các ngôn ngữ và chúng thay đổi ra sao. Điều thú vị là cũng có một chút gì đó đúng trong những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về các lâu đài, con sói và cá sấu đã kể ở trên.

Câu chuyện về ngọn tháp: 3 thành tố kì diệu

Trong câu chuyện về Tháp Babel, Chúa làm cho con người đi khắp thế giới. Trên thực tế, từ những hố khai quật khảo cổ chúng ta biết rằng con người đã di cư từ hàng nghìn năm về trước đến những miền đất khác nhau.

Vậy thì cái bạn cần để tạo ra các ngôn ngữ khác nhau chính là 3 thành tố kì diệu: thời gian, khoảng cách và các quá trình biến đổi ngôn ngữ. Như vậy khi những người nói cùng một thứ tiếng chia tay nhau và đi đến nhiều nơi khác nhau thì theo thời gian thứ tiếng đó có thể trở thành 2 hoặc nhiều thứ tiếng khác.

Hãy lấy tiếng Latin làm ví dụ. Khi những người nói tiếng Latin di cư đi khắp châu Âu, ngôn ngữ của họ dần biến đổi trở thành tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha khiến cho ngôn ngữ Latin ban đầu không trở thành ngôn ngữ chết mà phát triển thành nhiều ngôn ngữ ngày nay.

Tiếng Anh là một ví dụ khác. Vào thế kỉ XV, các bộ tộc Giéc-manh (German) gồm người Angles, người Saxons và người Jutes rời bỏ quê hương ở châu Âu đi xâm chiếm nước Anh. Các phương ngữ Giéc-manh mà họ mang theo đã phát triển thành tiếng Anh cổ.

Yếu tố con sói đồng cỏ

Câu chuyện con sói đồng cỏ Absaroka lại nói về sự khác biệt ngôn ngữ dẫn đến con người nói các thứ tiếng khác nhau có thể hiểu nhầm hoặc bất đồng với nhau. Tiếng nói thường đi liền với danh tính của mỗi người. Cùng với việc đi đến những vùng miền khác nhau, danh tính lại là một thứ có thể làm ngôn ngữ biến đổi hoặc trở thành một ngôn ngữ mới.

Ví dụ trong một ngôi làng ở Papua New Guinea, tất cả mọi người đều nói cùng một thứ tiếng là tiếng Selepet và người ở những ngôi làng lân cận cũng nói thứ tiếng này. Tuy vậy, những người trong ngôi làng nọ quyết định thay đổi cách nói từ “không”. Bằng cách này, từ “không” của họ biến thành “bunge” chứ không còn chuẩn như ngôn ngữ Selepet là “bia” nữa và người ta có thể nhận diện ra người làng này khi họ nói từ “bunge”.

Hãy quan sát ở địa phương nơi bạn sinh sống và những tỉnh lân cận mà xem. Yếu tố con sói đồng cỏ là một trong những động lực để người dân từng vùng thường đề cao danh tính của mình thông qua ngôn ngữ.

Vậy thì bất cứ ngôn ngữ nào rồi cũng chia tách thành nhiều ngôn ngữ khác giống như trường hợp của tiếng Latin không? Chắc là không đâu .Vấn đề là chúng ta ngày nay không sống tách biệt như người thời xưa. Chúng ta trò chuyện với nhau thường xuyên, mặt đối mặt, qua điện thoại, máy tính và nhiều cách khác giúp chúng ta luôn gần gũi nhau.

Yếu tố con cá sấu: các từ mới cho các nơi chốn mới và trải nghiệm mới

Câu chuyện con cá sấu Nabilil lại nói về sự tiến hóa của ngôn ngữ trong mối quan hệ gần gũi với môi trường xung quanh và việc con người đặt tên cho những vùng đất mới đến, loài vật mới gặp và những trải nghiệm mới có.

Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua sự di cư của người Anh đến Úc. Khi người Anh đến Úc, tiếng Anh đã tồn tại hơn 800 năm. Tuy nhiên, những người định cư nói tiếng Anh khi đó không có các từ để nói về nước Úc. Họ mượn các từ của người Úc bản địa (như: kangaroo, wombat) hoặc tự tạo ra nghĩa mới cho các từ cũ (như: magpie, possum), cả hai loại này đều xuất phát được dùng để gọi tên những loài vật vốn có ở châu Âu và Mỹ.

Hay như trong tiếng Việt, chúng ta có rất nhiều từ vay mượn của tiếng Pháp, đặc biệt để chỉ các bộ phận của xe đạp, ô tô vì các phương tiện này được người Pháp đưa vào Việt Nam, ví dụ như như: pê đan - pedale, ghi đông – guidon, vô lăng – volant, ô tô – auto, v.v. Một ví dụ khác về sự vay mượn từ giữa các ngôn ngữ là từ “đại phong” trong tiếng Việt thì tương đương “typhoon” trong tiếng Anh và “taifeng” trong tiếng Trung Quốc.

Giống như con người, ngôn ngữ luôn phát triển và đó là lí do vì sao chúng ta có rất nhiều ngôn ngữ, và có một cách để tránh được lời nguyền của con sói đồng cỏ, đó là chúng ta nên học nói một số thứ tiếng chứ không chỉ mỗi tiếng mẹ đẻ của mình.

Cập nhật: 11/02/2020 Theo Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video