Nhận ra bạn đang căng thẳng và cần thư giãn là một bước tốt để giúp đỡ bản thân. Tuy nhiên, đôi khi tìm cách giảm căng thẳng lại làm tăng thêm căng thẳng. Tác động phản tác dụng này có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn, làm bạn càng lo lắng và mệt mỏi.
"Stresslaxing" là thuật ngữ đề cập đến hiện tượng hoặc trải nghiệm của những người đang ở trạng thái lo lắng hoặc căng thẳng nhưng cố gắng bình tĩnh và tỏ ra thoải mái, bằng cách ép bản thân nghỉ ngơi hoặc thư giãn, tiến sĩ Michael Schirripa, bác sĩ tâm thần, người dẫn chương trình podcast, nói với Healthline.
Càng cố thư giãn, càng mệt mỏi
Deborah Serani, giáo sư tại Đại học Adelphi (New York) và là tác giả của cuốn sách đoạt giải thưởng, Sống chung với trầm cảm, cho biết thuật ngữ lâm sàng cho "stresslaxing" là "sự lo lắng do thư giãn gây ra".
"Nghiên cứu cho thấy nếu bạn đang phải vật lộn với chứng lo âu lan tỏa hoặc suy nghĩ quá mức, bạn có thể dễ bị căng thẳng hơn. Những người gặp khó khăn trong việc giải tỏa căng thẳng cũng có thể gặp các cơn hoảng loạn, bên cạnh căng thẳng và lo lắng. Một số người thậm chí có thể bị trầm cảm vì họ không thể thư giãn", cô nói.
Theo nhiều cách, não có thể chống lại sự thư giãn, đặc biệt do phần não gọi là amygdala hay hạch hạnh nhân, nơi luôn tìm kiếm nguy hiểm.
Thuật ngữ lâm sàng cho "stresslaxing" là "sự lo lắng do thư giãn gây ra" - (Ảnh: Women's Day).
Serani cũng cho biết những người sống với sự lo lắng và hay suy ngẫm có thể sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát nhận thức.
Nói cách khác, họ khó có thể "tạm dừng" một số suy nghĩ nhất định.
"Ở khía cạnh khác, một số người luôn tìm cách để bận rộn vì trong tiềm thức, việc bình tĩnh, có không gian và trải nghiệm sự thoải mái có thể làm nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực", cô nói thêm.
Tại sao một số người lại khó thư giãn?
Schirripa cho biết chúng ta khó có thể thư giãn do áp lực bên ngoài và động lực bên trong.
Những áp lực bên ngoài, chẳng hạn như công việc, học tập, gia đình và các cam kết khác, có thể khiến mọi người cảm thấy như họ phải liên tục "hoạt động" để đương đầu với thế giới ngoài kia.
"Dần dà, họ có thể cảm thấy có nghĩa vụ phải đáp ứng những tác động bên ngoài. Điều này dẫn đến nhận thức rằng họ không được phép có bất kỳ thời gian hoặc không gian thư giãn nào dành cho riêng mình", Schirripa phân tích.
Serani lưu ý thời gian làm việc và giải trí hiện nay không còn ranh giới rõ ràng. "Vì vậy, rất khó để có được sự thư giãn", cô kết luận.
Bên cạnh đó, công nghệ, khả năng tiếp cận dễ dàng và các tiện ích hiện đại khác đã làm mờ ranh giới giữa công việc và vui chơi, dẫn đến điều mà nhà xã hội học Dalton Conley của Đại học Princeton gọi là "Weisure" (ghép giữa Work và Leisure, chỉ sự kết hợp giữa công việc và hoạt động giải trí).
Động lực bên trong ảnh hưởng đến khả năng thư giãn bao gồm cảm giác có động lực để tiếp tục hoạt động, và không cho phép bản thân sống chậm lại hay nghỉ ngơi.
"Đôi khi mọi người lo lắng rằng họ sẽ cảm thấy buồn chán nếu thư giãn. Nói cách khác, khi sống chậm lại và nghỉ ngơi, họ sợ sẽ phải tập trung quá nhiều vào những suy nghĩ hoặc cảm xúc đang diễn ra bên trong mình" - Schripa giải thích.
Căng thẳng mãn tính có liên quan đến huyết áp cao, dẫn đến đau tim và đột quỵ, mệt mỏi, loét, đau đầu, đau lưng, khó tập trung và khó chịu.
Natalie Christine Dattilo, tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng, giảng viên tại Trường Y Harvard, cho biết thêm, việc không thể dừng hoạt động và thư giãn đúng cách có thể khiến hệ thống thần kinh bị kích thích quá mức. Theo thời gian, điều này có thể khiến việc tạo ra phản ứng thư giãn trở nên khó khăn hơn.
Chiến lược giúp bạn thư giãn
Khi cố gắng thư giãn, Dattilo cho biết trước tiên hãy hiểu rằng thư giãn không phải là một hoạt động thụ động như mọi người vẫn nghĩ. Một trong những lý do chính khiến một số người cảm thấy khó thư giãn là vì đây thực sự là một kỹ năng cần luyện tập thường xuyên.
Dattilo nói: "Mục tiêu thực sự của việc thư giãn là làm giảm hoạt động của hệ thống thần kinh của chúng ta".
Kích hoạt phản ứng thư giãn có thể được thực hiện thông qua tưởng tượng, thư giãn cơ, xoa bóp, kỹ thuật thở, thiền, cầu nguyện và yoga.
Bạn cần đặt ranh giới giữa công việc và cuộc sống gia đình, cân nhắc việc tắt thiết bị công nghệ sớm mỗi đêm, ưu tiên việc chăm sóc bản thân.
Bạn có thể thực hành Phương pháp thư giãn Benson, bao gồm việc ngồi trong tư thế thoải mái, nhắm mắt lại, cố ý thư giãn tất cả các cơ, bắt đầu từ chân và lên đến đầu, thở chậm trong 20 phút. "Ban đầu, bạn có thể cảm thấy hơi khó khăn hoặc gượng ép. Vì vậy, hãy bắt đầu với 5 phút và dần dần tăng thời gian lên", Dattilo cho biết.
Bạn cũng có thể tập trung vào danh sách việc "đã hoàn thành". Suy nghĩ về danh sách việc cần làm sẽ khiến bạn hướng về tương lai, khiến bạn không tập trung vào thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, bạn có thể thiền trong 5 phút. Các nghiên cứu cho thấy ngay cả 5 phút hít thở sâu, im lặng và nghỉ ngơi cũng có thể nâng cao hoạt động thể chất và tinh thần.
Và bạn cũng có thể nuôi dưỡng các giác quan bằng cách sử dụng "Kỹ thuật 5, 4, 3, 2, 1". Hãy yêu cầu bản thân tìm ra 5 thứ bạn có thể nhìn thấy, 3 thứ bạn có thể nghe thấy, 4 thứ bạn có thể chạm vào, 2 thứ bạn có thể ngửi thấy và 1 thứ bạn có thể nếm được. Quá trình này sẽ làm giảm bớt lo lắng và khiến bạn chuyển sang thư giãn dễ hơn.