Các nhà khoa học Anh vừa xác định được một “nút bấm” sinh học có vai trò kích thích châu chấu tụ thành đàn. Từ khám phá này, người ta hy vọng có thể tìm ra loại thuốc trừ sâu mới giúp ngăn chặn việc hình thành các “tập đoàn” châu chấu, vốn là mối đe dọa kinh hoàng cho mùa màng.
Khi hợp lại với nhau thành bầy đàn, châu chấu trở thành mối đe dọa lớn cho nông nghiệp.
Giáo sư P. Simpson (ĐH Oxford, Anh) cùng các đồng sự đã tìm thấy những chiếc lông nhạy cảm trên chân sau của châu chấu, kích thích nhu cầu tụ tập thành bầy đàn của chúng.
Cần hiểu rằng châu chấu vốn là loài sinh vật hiền lành và thường sống đơn độc. Nhưng khi bị kích thích, chúng hợp lại với nhau thành bầy đàn, lúc đó mới thật sự trở thành mối đe dọa lớn cho nông nghiệp. Khám phá này rất quan trọng vì có thể đưa con người tới việc sản xuất các loại thuốc trừ sâu mới ngăn chặn việc tụ đàn của châu chấu.
“Hệ thần kinh giao tiếp thông qua các hóa chất. Nếu chúng ta tìm ra các hóa chất đó và cách thức mà chúng tác động lên hệ thần kinh (đã khiến châu chấu chuyển từ việc sống đơn độc sang sống theo bầy đàn), ta có thể chế tạo ra những hóa chất kiểm soát sâu hại mới” - giáo sư P. Simpson cho biết.
Thí nghiệm được thực hiện bằng cách dùng bút màu đánh dấu châu chấu trong phòng thí nghiệm. Khi một vùng đặc biệt trên chân sau của châu chấu được kích thích, nó từ bỏ lối sống đơn độc và chuyển sang sống theo đàn. Khi đánh dấu trên các phần khác của cơ thể, chẳng hạn râu, các phần phụ miệng hay bụng, hiện tượng tương tự không xảy ra.