Những sợi lông này không có tác dụng khi vận hành, nhưng đây lại là thứ giúp ích trong quá trình sản xuất lốp.
Không khó để phân biệt lốp mới và lốp đã qua sử dụng bằng cách nhìn vào các sợi lông nhỏ phía trên bề mặt, lông càng nhiều và ít bị gãy chứng tỏ lốp chưa từng qua sử dụng hoặc sử dụng rất ít. Ngoài công dụng để phân biệt lốp mới và lốp cũ, những sợi lông này còn có tác dụng nào khác?
Nhiều người cho rằng các sợi lông giúp giảm tiếng ồn hay giúp lốp giải nhiệt tốt hơn khi chạy nhanh, tuy nhiên thực tế chúng không có bất kỳ tác dụng nào khi vận hành.
Hỗ trợ quá trình sản xuất
Các sợi lông này thường được gọi với nhiều tên như gai gió, gai lốp mới... Tuy nhiên tên chuyên ngành của các gai này là vent spews. Tên gọi này xuất phát từ nguyên nhân nó xuất hiện trên lốp.
Các sợi lông được hình thành trong quá trình sản xuất lốp. (Ảnh: Toyo Tyres).
Lốp xe được sản xuất bằng cách bơm cao su vào khuôn đúc sẵn, trong quá trình bơm cao su vào sẽ sinh ra các bọt khí li ti. Những bọt khí này hoàn toàn không tốt cho lốp xe, khiến cho cấu trúc lốp bị suy yếu và nhanh hỏng.
Để ngăn chặn các bọt khí hình thành bên trong lốp, khuôn đúc được thiết kế với nhiều lỗ thông hơi nhỏ cho phép các bọt khí thoát ra ngoài. Không chỉ bọt khí, một phần cao su nóng chảy cũng theo lỗ thông hơi này ra ngoài, kết quả là hình thành những sợi vent spews sau khi cao su đông cứng.
Nhiều chủ xe cảm thấy băn khoăn liệu họ có nên cắt bỏ những gai cao su này không, nhưng trên thực tế, chúng hoàn toàn không ảnh hưởng đến hiệu suất hay an toàn của xe. Theo Steve Burke, giám đốc kỹ thuật tại nhà sản xuất lốp xe Toyo Tires, việc loại bỏ các gai cao su này không mang lại lợi ích gì về mặt thực tế. Tuy nhiên, một số người lại cảm thấy việc gỡ bỏ các vòi thông hơi này như một cách giảm căng thẳng.
Burke giải thích: "Không có lý do thực tế nào để loại bỏ chúng. Nhưng nếu bạn vẫn muốn gỡ bỏ, hãy tránh dùng dao sắc hoặc kéo, mà chỉ cần nhẹ nhàng nắm chúng bằng tay và kéo ra". Cách này vừa đơn giản vừa an toàn, tránh gây tổn hại không cần thiết đến bề mặt lốp.
Những gai cao su trên lốp xe mới là một chi tiết tưởng chừng bí ẩn nhưng thực tế lại chỉ là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất lốp. Chúng không có tác dụng chức năng nào trong vận hành, và không ảnh hưởng đến hiệu suất của xe. Người dùng có thể yên tâm để chúng tự mòn đi hoặc, nếu muốn, có thể gỡ bỏ nhẹ nhàng bằng tay. Những gai cao su nhỏ nhắn này thực sự chỉ là một nét thú vị nho nhỏ trong quy trình sản xuất lốp xe hiện đại.
Cách kiểm tra độ mòn của lốp
Nếu như lốp mới có các sợi lông nhô lên để chỉ thị tình trạng lốp đã qua sử dụng nhiều lần hay chưa, thì đối với lốp sử dụng lâu ngày đã mất đi các sợi này phải kiểm tra độ mòn như thế nào?
Tất cả bánh xe khi sản xuất ra đều có một khu vực giúp người dùng quan sát được độ mòn, hai bên hông lốp sẽ có một điểm hình tam giác giúp xác định vị trí của vạch chỉ thị độ mòn, phần lốp tiếp xúc với mặt đường tại đây sẽ có gờ cảnh báo độ mòn. Nếu phần gờ này tiếp xúc với mặt đường thì người dùng cần thay lốp ngay.
Lốp ôtô có tuổi thọ khoảng 6 năm. (Ảnh: Vĩnh Phúc).
Thông thường lốp ôtô có tuổi thọ khoảng 6 năm, sau thời gian này dù lốp chưa mòn thì người dùng cũng nên cân nhắc thay lốp mới để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành xe.
Thời gian sản xuất của lốp được ghi bên hông dưới dạng XXYY, trong đó XX là số tuần và YY là số năm. Ví dụ thời gian sản xuất ghi là 1319 có nghĩa lốp được sản xuất vào tuần thứ 13 của năm 2019, tương đương giữa tháng 3/2019.
Bên cạnh việc thay lốp khi đã quá mòn, lốp xe cũng cần được thay sớm hơn khi gặp phải những tình trạng như phù, biến dạng, dị vật đâm vào hông lốp...