Vì sao NASA cần 4 ngày, còn Ấn Độ mất 40 ngày mới hạ cánh lên Mặt trăng?

Tàu Chandrayaan-3 đã sử dụng một phương pháp khéo léo dựa vào lực hấp dẫn của Mặt trăng và Trái đất để tới đích.


Video mô tả quá trình hạ cánh của tàu Chandrayaan-3. (Video: AiTelly).

Vào lúc 19:34 ngày 23/8 (theo giờ Việt Nam), tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thành công hạ cánh mềm lên cực nam của Mặt trăng trong một sứ mệnh cùng tên.

Mọi thứ bắt đầu khi tàu đổ bộ tiếp cận điểm thấp nhất của quỹ đạo Mặt trăng. 4 động cơ của nó hoạt động như những chiếc phanh ở độ cao 30 km nhằm giảm tốc độ của tàu.

Khi chỉ còn cách bề mặt 7,2 km, tàu sử dụng 8 bộ đẩy nhỏ hơn để xoay từ vị trí nằm ngang sang vị trí thẳng đứng, và dần hạ độ cao, cho tới khi chạm bề mặt. Mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ, và không có bất kỳ sự cố nào xảy ra.

"Chúng ta đã hạ cánh mềm lên Mặt trăng! Ấn Độ đang ở trên Mặt trăng!", Sreedhara Somanath, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) thông báo sau chuyến hạ cánh lịch sử.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh thành công này thuộc về toàn thể nhân loại, và nó sẽ hỗ trợ các sứ mệnh lên Mặt trăng của các quốc gia khác trong tương lai.

"Tôi tin tưởng rằng tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những quốc gia từ phía nam bán cầu, đều có khả năng đạt được thành tích như vậy", Thủ tướng Ấn Độ cho biết. "Tất cả chúng ta đều khao khát lên Mặt trăng và hơn thế nữa".

Hơn 2 giờ sau khi hạ cánh, ISRO đã đăng tải hình ảnh đầu tiên cho thấy bề mặt của Mặt trăng được chụp bởi tàu Chandrayaan-3 trong quá trình hạ cánh.

Tổ chức này cũng đồng thời cho biết, họ đã thiết lập thành công mạng lưới liên lạc giữa tàu vũ trụ và bộ phận điều khiển sứ mệnh tại Trái đất. Như vậy có thể nói rằng, sứ mệnh Chandrayaan-3 đã bước đầu hoàn tất.

Vì sao Ấn Độ mất 40 ngày mới hạ cánh lên Mặt trăng?


Tàu Chandrayaan-3 đã sử dụng một phương pháp khéo léo dựa vào lực hấp dẫn của Mặt trăng và Trái đất để tới đích (Ảnh: ISRO).

Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra, là tại sao tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ mất tới gần 40 ngày để hạ cánh lên Mặt trăng.

Trong khi đó để so sánh, tàu Chang'e 2 của Trung Quốc chỉ mất 4 ngày để tới Mặt trăng trong một sứ mệnh thực hiện năm 2010. Tàu Apollo-11 của NASA cũng chỉ mất 4 ngày để làm điều tương tự, và thậm chí có thêm sự xuất hiện của 3 phi hành gia đổ bộ xuống Mặt trăng.

Thậm chí, phi thuyền Luna-1 của Liên Xô chỉ mất vỏn vẹn 36 giờ để chạm tới quỹ đạo của Mặt trăng, trong một sứ mệnh thực hiện năm 1959.

Sở dĩ có sự khác biệt lớn về thời gian thực hiện sứ mệnh là bởi tàu Chandrayaan-3 sử dụng hệ thống tên lửa đẩy có lực phóng kém xa so với các phương tiện nêu trên, nhằm tiết kiệm chi phí sứ mệnh.

Lực phóng cùng nhiên liệu hạn chế đã khiến Chandrayaan-3 không thể chọn lộ trình bay thẳng tới Mặt trăng như hầu hết các tàu vũ trụ khác.

Thay vào đó, để bù lại những hạn chế về mặt công nghệ, tàu Chandrayaan-3 phải sử dụng một phương pháp khéo léo dựa vào lực hấp dẫn của Mặt trăng và Trái đất để tới đích.

Cụ thể, tàu phải bay 4,5 vòng quanh Trái đất và nhiều vòng quanh Mặt trăng để ổn định tốc độ cần thiết, trước khi thực hiện giai đoạn hạ cánh lịch sử. Nhưng cũng chính vì thế mà thời gian của sứ mệnh bị kéo dài lên tới 40 ngày.

Có thể nói rằng, Ấn Độ đã không ưu tiên chạy đua về thời gian, mà chọn cách "chậm - chắc". Nhờ yếu tố này, họ đã có được thành công đi vào lịch sử trong khi nhiều quốc gia khác không thể làm được.

Ấn Độ trở thành nguồn cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển

Một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất trong cuộc đổ bộ lên Mặt trăng của Ấn Độ là ngân sách eo hẹp theo tiêu chuẩn của chính phủ.

Năm 2020, ISRO ước tính sứ mệnh Chandrayaan-3 tiêu tốn khoảng 75 triệu USD. Việc bị trì hoãn phóng 2 năm có thể làm tăng chi phí chung của sứ mệnh. Tuy nhiên, con số này vẫn là vô cùng thấp so với các sứ mệnh Mặt trăng được thực hiện bởi các quốc gia khác.

Để so sánh, sứ mệnh Chang'e 2 của Trung Quốc tiêu tốn gần 219 triệu USD vào năm 2010. Nếu tính theo tỷ lệ lạm phát, con số này có thể tương đương 316 triệu USD.


Tỷ lệ % GDP dành cho các dự án không gian của Ấn Độ thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác (Ảnh: CNBC).

Sứ mệnh Luna-1 của Liên Xô cũng có chi phí lên tới 200 triệu USD vào năm 1959. Khi được điều chỉnh theo lạm phát, con số này lên tới 6 - 10 tỷ USD.

Sứ mệnh Apollo-11 nổi tiếng của NASA ngốn của nước Mỹ ít nhất 25 tỷ USD vào năm 1969, tương đương với khoảng 200 tỷ USD ngày nay.

Con số 75 triệu USD của sứ mệnh Chandrayaan-3 thậm chí chỉ bằng một nửa số tiền mà đạo diễn Christopher Nolan đã chi cho bộ phim lấy chủ đề vũ trụ "Interstellar" (2014).

Tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội, Mỹ chi nhiều nhất cho không gian, mặc dù con số này vẫn chỉ chiếm 0,28% GDP. Nó vượt xa mức 0,04% GDP của Ấn Độ, theo báo cáo tháng 7 về nền kinh tế vũ trụ toàn cầu của Space Foundation.

Việc giảm bớt chi phí của các sứ mệnh không gian nhưng vẫn đạt được mục tiêu như Ấn Độ đã làm với Chandrayaan-3 có thể được xem là một cuộc cánh mạng đối với ngành hàng không vũ trụ.


Thành công của Ấn Độ đã truyền cảm hứng cho các quốc gia khác trong bối cảnh ngày càng có nhiều sứ mệnh không gian được thực hiện. (Ảnh: Getty).

Jim Bridenstine, Cựu Tổng Giám đốc NASA, đã đánh giá cao sự thành công của sứ mệnh Chandrayaan-3. Ông cho rằng nó sẽ là nguồn động lực lớn lao cho tất cả những quốc gia đang quan tâm đến việc khám phá không gian.

"Chi phí cho các sứ mệnh không gian sẽ tiếp tục giảm, đây là một sự phát triển rất tích cực", Bridenstine nhấn mạnh. "Điều này là vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta ngày càng có nhiều các sứ mệnh không gian được thực hiện".

Hiện, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ả Rập Saudi và Mỹ là những quốc gia đang ấp ủ kế hoạch quay trở lại Mặt trăng hoặc lần đầu tiên chinh phục cột mốc này. Họ có thể sẽ ít nhiều học theo những gì mà người Ấn Độ đã áp dụng trong sứ mệnh lịch sử của mình.

Cập nhật: 05/09/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video