Các nhà nghiên cứu mới đây khai quật một khu vực được cho là nghĩa địa của loài ngư long, còn gọi là thằn lằn cá thời tiền sử, với gần 50 mẫu xương gần như hoàn thiện ở phía nam Chile.
Telegraph cho hay, ít nhất 46 mẫu vật các bộ xương gần như hoàn thiện được khai quật tại khu vực Công viên Quốc gia Torres del Paine, thuộc vùng Patagonia. Chúng được phát hiện sau khi sông băng tan chảy làm lộ các dấu vết trên mặt đá.
Hóa thạch thuộc về loài ngư long, hay còn gọi là thằn lằn cá (Ichthyosauros). Đây là loài bò sát biển lớn có hình thù giống cá heo, có chiều dài cơ thể khoảng 5m.
Theo các nhà cổ sinh vật học, ngư long sống cách đây khoảng từ 245-90 triệu năm trước. Chúng được cho là đã tuyệt chủng, dưới tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Phát hiện này sẽ cung cấp các thông tin nghiên cứu quan trọng về đời sống của các loài sinh vật tiền sử ở Nam Mỹ.