Đây là khoảnh khắc đáng kinh ngạc khi một hiện tượng kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời Indonesia.
Cảnh tượng này được ghi lại vào ngày 4/6, tại tỉnh Đông Java, Indonesia. Đoạn phim cho thấy khoảng trống hình elip kỳ lạ với những đám mây trắng ở giữa, lơ lửng trên bầu trời.
Hukama Nur Akmal, nhà dự báo thời tiết tại Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Cơ quan này cho biết hiện tượng này được gọi là lỗ mây - đôi khi được gọi là lỗ thủng đám mây, cavum.
Lỗ mây hình thành khi nhiệt độ nước trong mây thấp hơn điểm đóng băng nhưng nước vẫn chưa đóng băng do thiếu các hạt mầm băng. Để hình thành được lỗ, các giọt trong lớp mây phải đạt tiêu chuẩn "siêu lạnh" từ -15 độ C. Khi tinh thể băng hình thành, chúng sẽ gây ra hiệu ứng domino khiến các giọt nước xung quanh cũng bị đóng băng và rơi xuống. Thế là lỗ mây ra đời.
Và các nhà nghiên cứu cho rằng, sự nhiễu động tầng mây do máy bay có thể tạo ra các lỗ mây. Không khí đi qua cánh quạt hoặc hai cánh máy bay sẽ giãn nở và lạnh đi tức thì, nhờ đó các tinh thể băng được hình thành. Máy bay rời đi, các tinh thể ở lại, rơi khỏi đám mây và các lỗ mây khổng lồ có thể xuất hiện nhờ đó.
Hiện tượng lỗ mây trên bầu trời Indonesia.
Hukama cho biết: "Khi một chiếc máy bay bay qua một lớp mây tích tụ mỏng, nó sẽ gây ra hiện tượng đóng băng. Quá trình đóng băng biến các giọt nước thành các tinh thể băng và gây ra hiệu ứng domino, trong đó các tinh thể băng rơi xuống ở độ cao lớn và đôi khi bị uốn cong do tốc độ gió khác nhau".
Ông nói thêm rằng các đám mây cavum có thể được tìm thấy ở ba loại mây từ trung bình đến cao. Vì hình dạng tròn của chúng, các lỗ mây đôi khi bị nhầm với UFO.