Thiết bị giám sát của Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ giúp kiểm soát và quản lý nguồn phóng xạ, đặc biệt là loại di động ngoài hiện trường.
Trước tình trạng mất nguồn phóng xạ ở nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ xấu tới đời sống người dân, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đặt hàng Đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trì thiết kế chế tạo hệ thống giám sát nguồn phóng xạ từ tháng 10/2014.
Sau hai năm thực hiện, nhóm thực hiện đề tài "Nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa các nguồn phóng xạ theo thời gian thực", tạo ra sản phẩm là hệ thống quản lý và giám sát nguồn phóng xạ di động (BKRAD).
10 thiết bị giám sát nguồn phóng xạ do các nhà nghiên cứu Đại học Bách Khoa bàn giao. (Ảnh: Hương Lê).
Với chức năng cảm biến - truyền thông - cảnh báo, hệ thống BKRAD giúp người dùng giám sát từ xa nhanh nhất về vị trí cũng như trạng thái hoạt động của nguồn phóng xạ. Việc giám sát có thể thực hiện qua Internet hoặc điện thoại thông minh.
Khi nguồn phóng xạ hoạt động hoặc di chuyển, BKRAD sẽ gửi dữ liệu trực tuyến về trung tâm theo dõi với chu kỳ 30 giây/lần. Nếu nguồn phóng xạ không hoạt động, BKRAD sẽ tự động chuyển về chế độ tiết kiệm năng lượng và gửi dữ liệu 60 phút/lần. Khi nguồn phóng xạ lưu kho, BKRAD sẽ gửi dữ liệu 10 tiếng/lần. Bên cạnh đó, nó còn giúp tìm kiếm nguồn phóng xạ bị đánh cắp hoặc thất lạc.
Tiến sĩ Trần Quang Vinh, chủ nhiệm đề tài cho biết, BKRAD được tích hợp nhiều công nghệ về định vị, truyền thông và cảm biến tiên tiến giám sát liên tục các nguồn phóng xạ trong các điều kiện môi trường khác nhau. Thiết bị có kết cấu cơ khí chống bụi, nước, va đập mạnh. Pin được sạc có thể sử dụng trong 7 ngày, mỗi ngày khoảng 8-10 tiếng.
Giao diện hệ thống BKRAD trên web.
Thiết bị do Đại học Bách khoa tạo ra có giá hơn 30 triệu đồng, bằng một nửa so với sản phẩm có tính năng tương đương từ nước ngoài.
Nghiên cứu được Bộ Khoa học đánh giá cao khi trải qua nhiều đợt thử nghiệm đều đáp ứng yêu cầu.