Việt Nam lần đầu lọt vào chung kết giải lập trình toàn cầu

Quang cảnh thi đấu loại ACM/ICPC ở Tehran (Iran).(Ảnh: Mehrnews.com)
Nhóm BK-Eagle gồm 3 sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM sẽ so tài cùng đội tuyển của 83 trường đại học trên thế giới trong cuộc thi lập trình ACM/ICPC ở San Antonio, Texas (Mỹ), diễn ra từ ngày 9 đến 13/4. Nội dung thi là các thách thức phức tạp về giải thuật và tư duy trong ứng dụng thực tiễn.

Trong vòng chung kết toàn cầu năm nay, các đội sẽ phải giải quyết những vấn đề như xác định tuyến đường đi tối ưu để giảm thiểu ách tắc giao thông đồng thời đảm bảo tính hiệu quả về chi phí, hoặc xây dựng chiến lược mạng tối ưu khi thiết lập các tháp phát sóng điện thoại di động nhằm đạt mức bao phủ rộng nhất. Giải đấu này cũng sẽ là dịp để các lập trình viên tương lai làm quen hơn với Java, Linux, Eclipse và các chuẩn điện toán mở khác đang được ứng dụng trên thế giới.

BK-Eagle của Việt Nam dự chung kết năm nay - từng nhiều năm liên tục đoạt giải nhất khối thi tập thể chuyên Tin “lều chõng” trong nước - gồm các sinh viên Nguyễn Tường Quân (sinh năm 1982), Nguyễn Đan Thanh (1983) và Phạm Hữu Ngôn (1984).

Theo kết quả kỳ thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam tháng 4/2005, ba đội tuyển đứng đầu khối thi Tập thể “lều chõng” chấm trực tuyến theo tiêu chuẩn quốc tế ACM là đội Bách khoa TP HCM, đội Đại học Công nghệ Hà Nội và đội Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM. Ba đội này đã tham dự vòng loại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của kỳ thi ACM/ICPC lần lượt tại các điểm thi: Tehran (Iran), Coimbatore (Ấn Độ) và Manila (Philippines). Dù lần đầu đi thi nhưng các sinh viên nhóm BK-Eagle đã giải trọn vẹn 6/10 bài sau 32 lần nộp chấm với thời gian tính là 1.534 giây, đứng thứ 3 chung cuộc vòng loại tại điểm thi ACM/ICPC ở Teheran kết thúc ngày 2/12/2005.

Căn cứ theo kết quả vòng loại nói trên, BK-Eagle là đội Việt Nam duy nhất được lọt vào vòng Chung kết toàn cầu ACM/ICPC tranh tài cùng 83 đội tuyển đến từ các trường đại học danh giá thuộc 6 châu lục (tham khảo http://icpc.baylor.edu/icpc/Finals ). Trao đổi với VnExpress, Nguyễn Tường Quân cho biết đội tuyển đang tích cực ôn luyện đề thi những năm trước để chuẩn bị cho đợt ra quân lần này. Còn theo Phạm Hữu Ngôn, BK-Eagle đặt mục tiêu lọt vào Top 12 đội xuất sắc nhất thế giới trên đất Mỹ. "Mỗi thành viên trong nhóm phụ trách những lĩnh vực khác nhau để có thể bao quát hết các dạng bài thi", Ngôn nói. "Tuy nhiên, khi thi thì chỉ có 1 máy tính cho cả 3 người nên việc chọn làm bài nào trước bài nào sau sẽ được cân nhắc kỹ". Cả nhóm cũng cho biết các đối thủ đến từ Nga và Trung Quốc luôn là những đội rất mạnh. Các trường đại học Thượng Hải và Petersburg của 2 nước này đã thay nhau giành cúp trong 5 năm gần đây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam, đơn vị đã vận động và tổ chức việc đi thi đấu cho các đội tuyển Việt Nam ở giải này, cho biết, trong những cuộc thi ACM/ICPC trước đây, nhiều du học sinh Việt Nam đã tham gia thi đấu nhưng lại mang "màu áo" các trường nước ngoài nơi họ theo học. Năm 2005, riêng tại điểm thi Coimbatore (Ấn Độ) có tới 9 sinh viên Việt Nam (hầu hết đều đã đoạt giải Tin học quốc tế, quốc gia) tham dự vòng loại dưới tên nước khác.

Cũng theo ông Long, ban tổ chức ACM/ICPC toàn cầu đã chấp thuận để Việt Nam trở thành điểm thi thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau khi xem xét các ứng cử viên nặng ký như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Điểm thi này sẽ được Hội Tin học Việt Nam tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào cuối năm 2006 (Xem thêm thông tin tại http://icpc.baylor.edu/icpchttp://www.itweek.org.vn).

ACM/ICPC là cuộc thi lập trình lâu đời và có uy tín trên thế giới với môn bắt buộc là tư duy (thuật toán) và kỹ năng lập trình (giải quyết và phối hợp nhóm). Với sự bảo trợ của Hiệp hội máy tính Mỹ (ACM), kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC (International Collegiate Programming Contest) được tổ chức lần đầu tiên tại nước này vào năm 1970. Đến 1977 bắt đầu có cuộc thi chung kết. Từ năm 1989, cuộc thi đã mở rộng ra với quy mô toàn cầu và đặt trụ sở tại Đại học Baylor (Mỹ). Các đội dự thi muốn vào vòng chung kết phải vượt qua vòng loại được tổ chức tại các trường đại học uy tín. Từ năm 1997, sau khi có sự tài trợ của tập đoàn IBM, quy mô của cuộc thi đã phát triển mạnh khi hàng chục nghìn sinh viên xuất sắc nhất trong lĩnh vực máy tính từ nhiều trường đại học trên thế giới tham gia. ACM/ICPC có mục đích phát triển sự sáng tạo, làm việc nhóm và đổi mới trong cách xây dựng các chương trình phần mềm, đồng thời cho phép sinh viên kiểm tra năng lực thực hiện của họ dưới một áp lực thời gian rất cao.

Năm 2006, toàn thế giới có tới 6.037 đội tuyển đến từ 1.717 trường đại học của 84 quốc gia và vùng lãnh thổ dự thi tại 197 bảng tại các nước khác nhau. Bảng A, CM/ICPC châu Á - TBD, có 11 điểm thi, trong đó riêng Trung Quốc có 3 điểm. Những điểm còn lại thuộc về 8 nước khác. Các trường đại học trên toàn thế giới có thể đăng ký dự thi trong khu vực của mình trên mạng tại địa chỉ: http://icpc.baylor.edu/icpc. Mỗi trường đăng ký các đội dự thi gồm 3 sinh viên và 1 huấn luyện viên. Trước khi vào thi, các đội phải tham gia thi qua mạng, cấu trúc thi như thi tập thể “lều chõng” tại Olympic Tin học ở Việt nam. Tùy từng hội đồng thi, các đội giải từ 6-10 bài, giải đúng qua chấm tự động trực tuyến (test online) được 1 điểm. Các đội có cùng điểm sẽ được xếp thứ bậc căn cứ vào thời gian nộp bài giải được. Nội dung thi dùng ngôn ngữ lập trình Java, C/C++ hoặc Delphi.

Tại mỗi điểm thi sẽ chọn các đội có thành tích tốt nhất vòng loại (không quá 3 đội và mỗi trường chỉ có tối đa 1 đội được chọn) lọt vào vòng chung kết World Finals. Năm nay có 83 đội lọt qua vòng loại để vào vòng chung kết ACM/ICPC World Finals 2006, được tổ chức từ 9-13/4/2006 tại San Antonio - Texas Mỹ. Năm 2005, Vô địch ACM/ICPC là đội tuyển Đại học Jiao Tong Thượng Hải (Trung Quốc). Đáng lưu ý, dù đã có 3 điểm thi nhưng Trung Quốc đã cử và tham dự ở gần hết 8 điểm thi khu vực còn lại và giành 10 suất tham dự World Finals. Đông Nam Á có 2 đội 1 của Việt Nam và đội còn lại là của Philippines.

Phan Khương 

Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video