Việt Nam và Nhật Bản vừa thảo luận về một dự án kéo dài trong 4 năm, từ 24/3/2006 và đặt mục tiêu trang bị kỹ thuật phù hợp cho VN để sản xuất vắcxin sởi đạt chất lượng tốt
Ngày 24/3, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký Biên bản thảo luận Dự án Hợp tác Kỹ thuật về “Nâng cao năng lực sản xuất vắc xin sởi tại Việt Nam” giữa đại diện Trung tâm Khoa học sản xuất vắcxin Sabin (POLIOVAC) trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam và Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí của JICA, dự án sẽ kéo dài trong bốn năm tính từ ngày 24/3/2006.
Bệnh sởi có giai đoạn ủ bệnh từ 7-18 ngày. Biểu hiện nhiễm trùng đầu tiên là sốt cao kéo dài 1 - 7 ngày. Giai đoạn này thường chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, chảy nước mắt và xuất hiện nốt trắng nhỏ bên trong má. Sau vài ngày xuất hiện ban, bắt đầu từ mặt, lan xuống tay và chân trong khoảng 3 ngày. Ban kéo dài 5-6 ngày rồi biến mất. Ngoài ra người bệnh có thể chán ăn và tiêu chảy, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thể bệnh nặng hay xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 20 tuổi. Người lớn có thể bị tiêu chảy nặng. Trẻ em có thể bị mất nước do tiêu chảy, có thể bị viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp và thanh quản do virus sởi làm giảm hệ miễn dịch. Trẻ dưới 12 tháng tuổi nếu không tiêm phòng sởi thì rất dễ mắc. |
Dịch sởi là mối lo ngại ở Việt Nam và là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em Việt Nam hiện nay.
Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa tự sản xuất được vắcxin sởi mặc dù nhu cầu vắcxin trong nước ngày càng cao.
Việt Nam đã chính thức đề nghị Chính phủ Nhật Bản hợp tác phát triển Dự án xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin sởi đặt tại Trung tâm Khoa học sản xuất vắcxin Sabin thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đây là dự án viện trợ không hoàn lại được thực hiện trong thời gian hơn một năm và được thực hiện từ tháng 9/2004.
Hiện tại nhà máy đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và sẽ sớm được bàn giao cho phía Việt Nam.
Nhà máy sản xuất vắcxin sởi là mốc quan trọng cho Việt Nam trong kế hoạch sản xuất vắcxin sởi trong tương lai.
Để tiếp nối cho dự án này, việc thiết lập dự án hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất vắcxin sởi là vô cùng cần thiết.
Dự án “Nâng cao năng lực sản xuất vắc xin sởi tại Việt Nam” được thiết lập nhằm chuyển giao thành công kỹ thuật sản xuất vắcxin sởi của Nhật Bản cho Việt Nam.
Qua đó, Việt Nam có thể tự sản xuất được vắcxin sởi, tạo cơ sở để loại trừ bệnh sởi tại Việt Nam vào năm 2010.
Theo các số liệu do Bộ Y tế công bố, năm 2004, tỷ lệ mắc bệnh sởi ở VN là 1/1.000.000 dân.