Việt Nam nuôi thành công loài hải sản vốn chỉ đánh bắt tự nhiên

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm ốc móng tay chúa - một loại thủy sản có giá trị cao mà lâu nay vốn chỉ được đánh bắt tự nhiên.

Giá trị kinh tế cao từ ốc móng tay chúa

ThS Nguyễn Quốc Thể, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cho biết, ốc móng tay chúa hay còn gọi là ngao móng tay chúa, là một loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, phân bố chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới, có nền đáy bãi triều là bùn mịn hoặc bùn cát giàu chất hữu cơ.

Ốc móng tay chúa có giá trị dinh dưỡng (lượng protein cao, cùng các axit amin, omega3, omega6, sắt,…) và giá trị kinh tế cao (giá tươi sống từ 500 – 700 ngàn/kg). Ở Việt Nam, ốc móng tay chúa tự nhiên phân bố chủ yếu ở những nơi ít chịu ảnh hưởng của sóng gió, rừng ngập mặn nơi có nguồn nước ngọt chảy vào từ Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Giờ đến Cà Mau.

Hiện nay, ốc móng tay chúa chủ yếu được đánh bắt tự nhiên, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường và đang dần bị suy giảm nhanh chóng. Do đó, nhóm tác giả ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm móng tay chúa” để tạo cơ sở ban đầu cho việc phát triển nghề nuôi ốc móng tay chúa.


Ốc móng tay chúa được nhân nuôi thành công.

Ốc móng tay chúa bố mẹ từ tự nhiên, được nhóm tác giả thu thập ở các vùng biển Cần Giờ, Tiền Giang. Sau đó, lựa chọn những con khỏe mạnh, nuôi trong bể nhựa composite để kích thích sinh sản và ương nuôi giống.

Cụ thể, ốc móng tay chúa được kích thích sinh sản bằng phương pháp sốc nhiệt (ốc móng tay chúa bố mẹ được đặt trong bể có nước lạnh hơn 10 độ C so với bể nuôi thông thường và sục khí mạnh trong 45 phút).

Sau khi ốc móng tay chúa phóng trứng và tinh trùng, thu trứng vào bể riêng để làm các thí nghiệm tiếp theo (ấp nở, ương nuôi ấu trùng, giống). Điều kiện trong giai đoạn này với các chỉ tiêu độ mặn nước biển 28 - 32‰, pH 7,8-8, oxy hòa tan trong nước (DO) 4-6mg/L, thức ăn là tảo khô.

Khi ốc móng tay chúa có kích thước từ 2,5 - 4cm, được thử nghiệm nuôi thương phẩm tại bãi triều. Sau 12 tháng nuôi cho chiều dài trung bình khoảng 11cm, trọng lượng 50gr (kích thước ốc móng tay chúa tự nhiên khoảng 10 - 15cm, trọng lượng từ 70 - 150g/ con trưởng thành).

Dựa trên kết quả các thử nghiệm nuôi ốc móng tay chúa trên bãi triều, nhóm tác giả đã xây dựng quy trình nuôi thương phẩm với các chỉ tiêu như độ mặn nước biển từ 20 - 25‰, pH 7,5 - 8, DO trên 4mg/l; chất đáy là lớp cát xốp dày, ít bùn; mật độ nuôi 10 con/m2.

Nước trong ao nuôi phải lưu thông tốt, ít tù đọng, không bị ảnh hưởng của nguồn nước ngọt vào mùa mưa lũ, không chịu ảnh hưởng của nguồn thải công nghiệp, sinh hoạt, bến cảng, phương tiện vận tải thủy.

Vừa nhân nuôi vừa làm sạch môi trường biển

ThS Nguyễn Quốc Thể cho biết, địa điểm nuôi cũng cần chú ý đến nguồn thức ăn tự nhiên, nơi có thành phần thực vật phù du phong phú, đa dạng, giàu chất hữu cơ lơ lửng. Bãi nuôi thích hợp thường nằm gần cửa biển nhỏ, có lưu lượng nước vừa phải.

Ốc móng tay là động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, phân bố từ Vạn Ninh đến Cam Ranh. Thịt ốc móng tay thơm ngon, có giá trị kinh tế cao (giá bán từ 450.000 đến 550.000 đồng/kg) nên có nguy cơ bị khai thác triệt để. Đây lại là loại ăn lọc, thức ăn là sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ nên có tác dụng làm sạch môi trường sinh thái biển.

Việc nghiên cứu và sản xuất thành công giống và nuôi thương phẩm móng tay không những tăng thêm đối tượng nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần vào việc tái tạo, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, giảm áp lực khai thác và duy trì hệ sinh thái biển ven bờ theo hướng bền vững.

Ốc móng tay có tính ưu việt cao hơn hẳn so với các đối tượng thủy sản khác như sản xuất giống có chi phí thấp; nuôi thương phẩm không tốn chi phí thức ăn, lợi nhuận kinh tế cao. Kết quả đề tài sẽ tạo ra một nghề nuôi mới, giúp đa dạng đối tượng nuôi, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, có thể tận dụng các trại sản xuất giống tôm đã đóng cửa do thua lỗ để sản xuất giống nhân tạo móng tay dày. Đồng thời, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, cải thiện chất lượng môi trường nuôi.

Tại buổi nghiệm thu, hội đồng khoa học thống nhất sẽ tiếp tục cho phát triển đề tài theo hướng hoàn thiện hơn quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm móng tay dày nhằm mở thêm hướng mới cho nghề nuôi thủy sản.

Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, cần tiếp tục nghiên cứu điều kiện sống ngoài tự nhiên để hoàn thiện các điều kiện nuôi, thức ăn bổ sung cho ốc móng tay chúa.

Cập nhật: 04/01/2023 GDTĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video