Các nhà khoa học từ lâu vẫn nghĩ rằng đi bộ thì dễ hơn leo trèo, và điều này lý giải vì sao con người chúng ta tiến hóa ra kiểu đi trên mặt đất. Nhưng nghiên cứu mới đây tiết lộ điều đó không đúng.
Vượn cáo lùn đuôi tròn ở Madagascar. (Ảnh: lostworldarts) |
Và nó cũng giải thích cho câu hỏi tiến hóa hóc búa rằng tại sao khoảng 65 triệu năm trước, những tổ tiên bé nhỏ nhất của người, khỉ hình người và khỉ lại trèo lên cây và không bao giờ xuống đất.
Trong nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Science, nhóm khoa học tại Đại học Duke ở North Carolina và Đại học South Alabama ở Mobile cho biết họ thử tìm hiểu đối với một vài loài linh trưởng nhỏ, việc trèo cây bằng tay và các chi có tốn năng lượng hơn so với khi đi bộ hay không.
Thử nghiệm trên 5 loài: culi slender ở Sri Lanka, culi pygmy chậm chạp ở Indochina, vượn cáo lùn đuôi tròn và vượn cáo mongoose đều ở Madagascar và loài khỉ sóc Bolivia.
Daniel Schmitt, một trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết các nhà khoa học trước nay vẫn tin chắc rằng lực hấp dẫn luôn khiến cho việc đi bộ tốn ít năng lượng hơn việc leo trèo.
Và nhóm đã thiết kế ra một "máy leo", để đo sự gắng sức mà các con vật bỏ ra khi leo, thông qua hàm lượng ôxy được tiêu thụ trong phòng.
Nhóm phát hiện thấy đối với những con vật nặng chưa đầy nửa kg, không có sự khác biệt giữa khi đi bộ với leo trèo. Hơn thế nữa, ở nhóm linh trưởng nhỏ nhưng nặng hơn nửa kg, việc leo trèo không làm tốn hơn năng lượng đáng kể.
Và kịch bản tương tự chắc chắn đã xảy ra với những tổ tiên sớm nhất của loài người - thường có kích cỡ chỉ bằng con chuột lớn. Chúng không hề phải bỏ ra nhiều năng lượng hơn để leo cây, so với khi đi bộ trên mặt đất.