Chuyện kỳ lạ, trên đời này có lẽ chẳng thiếu. Một ngày đẹp trời có thể ai đó ném vào mặt bạn cả một cục tiền mà chẳng vì lý do gì (ừ biết đâu đấy, cứ mơ vậy đi).
Tuy nhiên, đôi khi có những câu chuyện kỳ lạ, hack não và nhiều plot twist đến mức bạn sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng nổi, như vụ án bạn sắp được thấy sau đây.
Vụ án: Cái chết đầy... twist của Ronald Opus
Ngày 23/3/1994, cảnh sát Mỹ tìm thấy thi thể của Ronald Opus. Khám nghiệm tử thi cho thấy Opus chết vì một mảnh đạn shotgun xuyên qua đầu.
Ảnh minh họa.
Vấn đề là trước đó, Ronald Opus đã gieo mình tự vẫn từ tầng 10 của tòa nhà. Tại nơi nhảy vẫn còn lưu lại mảnh thư tuyệt mệnh, cho thấy anh rơi vào cảnh tuyệt vọng như thế nào.
Nhưng khi rơi qua tầng 9, một khẩu shotgun bỗng khạc đạn. Viên đạn xuyên qua kính cửa sổ găm vào đầu Opus, khiến anh thiệt mạng gần như tại chỗ.
Giờ là cú twist đầu tiên: Cả Opus lẫn người bắn khẩu súng đều không biết rằng ngay tầng 8 của tòa nhà có giăng một tấm lưới, dùng để bảo hiểm cho công nhân xây dựng.
Xác của Opus rơi trúng tấm lưới, và lẽ ra anh đã không chết nếu như không có phát súng oan nghiệt kia.
Tình huống này sẽ phải xử trí ra sao? Đây là tự sát hay giết người?
Theo luật Mỹ, một người muốn tự tử và thành công, dù nguyên nhân gây ra cái chết không giống như ý định thì vẫn được xem là tự sát.
Tuy nhiên Opus chết khi chưa kịp tự sát thành công, mà dù có rơi xuống cũng chưa chắc đã thiệt mạng. Vậy nên, các giám định viên tin rằng đây nhiều khả năng là một vụ ngộ sát, thậm chí là cố ý giết người.
Mục tiêu điều tra hướng về ô cửa sổ của tầng 9 - căn nhà của 2 vợ chồng già. Khi ấy họ đang cãi nhau hết sức kịch liệt, và ông chồng thì dọa vợ bằng một khẩu shotgun. Tranh cãi lên đến đỉnh điểm, ông lão bóp cò súng.
May mắn là viên đạn không trúng bà vợ, nhưng bay thẳng ra cửa sổ và găm vào Opus đang trên đà rơi xuống.
Lại là luật pháp Mỹ: khi một kẻ muốn giết "A", nhưng lại khiến "B" phải chết, kẻ đó sẽ vẫn bị truy tố tội danh giết người, nhưng là với B.
Tuy nhiên khi thẩm vấn, cặp vợ chồng già tỏ ra phản đối kết luận này một cách dữ dội. Cả hai đều khai họ không hề biết khẩu súng có đạn.
Còn việc ông chồng lôi súng ra dọa vợ thì là một thói quen đã có từ lâu. Khẩu súng ấy vốn chưa bao giờ được nạp đạn, và người chồng cũng không có ý định giết vợ.
Hay nói cách khác, việc khẩu súng có đạn là điều không ai ngờ tới, và vụ án có thể khép lại với kết luận là một tai nạn ngoài ý muốn.
Nhưng câu chuyện vẫn chưa hết bất ngờ. Lại có nhân chứng cho biết đã thấy cậu con trai của 2 ông bà ngồi nạp đạn cho khẩu súng, khoảng 6 tuần trước khi vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra.
Theo điều tra, người con trai và mẹ đã có mâu thuẫn rất lớn sau khi bà dừng chu cấp tài chính cho cậu.
Oán hận dâng cao, người con quyết định lập mưu mượn tay bố giết mẹ bằng cách nạp đạn vào khẩu shotgun, vì cậu nắm rất rõ thói quen lôi súng ra dọa mỗi khi cãi nhau của ông bà cụ.
Kẻ nạp đạn hoàn toàn nhận thức rõ viễn cảnh sẽ xảy ra, nên người con trai sẽ bị truy tố tội giết người dù không phải kẻ trực tiếp bóp cò. Người này chính là nhân vật phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Ronald Opus.
Cuộc điều tra tưởng đến đây là hết, nhưng không ngờ lại xuất hiện một cú twist cực căng nữa: Hóa ra, con trai của ông bà cụ chính là Ronald Opus!
Sau khi lập kế hoạch sát hại mẹ nhưng mãi không thành (mất 6 tuần), cộng thêm việc không còn tiền để sinh sống, hắn quá chán nản mà tự vẫn.
Opus nhảy lầu tự tử, để rồi bị chết bởi chính phát đạn oan nghiệt mà gã đã nạp vào khẩu súng của bố mình. Nói cách khác, Opus đã vô tình tự giết bản thân, và rốt cục vụ án khép lại với kết luận là một vụ tự tử, không hơn không kém.
Và cú twist căng nhất
Vụ án trên đã được kể đi kể lại rất nhiều lần. Nó trở thành một ví dụ hoàn hảo cho thấy hậu quả pháp lý có thể trở nên "xoắn não" như thế nào dựa trên các tình tiết xảy ra trong vụ án.
Vấn đề ở đây chỉ là câu chuyện này... không có thật.
Các tài liệu điều tra không hề ghi nhận bất kỳ sự việc nào liên quan đến cái tên Ronald Opus.
Mà quan trong nhất là tiến sĩ Don Harper Mills - người đầu tiên kể chuyện đã tiết lộ rằng vụ án này hoàn toàn là hư cấu, mà ông kể ra để góp vui cho một bữa tối vào năm 1994.
Mục đích khi kể chuyện hoàn toàn chỉ là giải trí, nhưng chẳng rõ vì sao nó lại được lưu truyền như một huyền thoại trong lịch sử luật pháp Hoa Kỳ vậy.