Trong những tháng đầu tiên sau thảm họa ở Sidoarjo, Indonesia, miệng núi lửa trung bình phun 98 triệu lít bùn sôi mỗi ngày, nuốt chửng 12 ngôi làng và khiến gần 40.000 người mất nhà cửa.
Cứ 6 giờ sáng, Muslimah, 45 tuổi, lại hầm cháo và rán tương nén cho chồng và các con. Sau bữa ăn, cô đội chiếc mũ lưỡi trai và bắt đầu đi làm. Như bao người dân ở Đông Java bị mất nhà cửa bởi núi lửa bùn khác, Muslimah kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm (ojek). Hành khách của Muslimah là những khách du lịch kéo đến xem quang cảnh điêu tàn tại nơi gia đình cô từng sống.
Hiện này, bùn lầy bao phủ diện tích hơn 6500km2. Vài nơi bùn khô lại tạo thành nhiều kẽ nứt, trong khi những nơi khác lại ướt đặc. Ở rìa dải đất, khói trắng vẫn bốc lên từ miệng núi lửa, theo Chicago Tribune.
Tuy đã 10 năm trôi qua, Muslimah vẫn nhớ như in buổi sáng tháng 5/2006, khi bùn sôi và khí gas bùng nổ dữ dội từ mặt đất tại Sidoarjo, một huyện nhỏ ở Đông Java, Indonesia. "Tôi đã rất kinh hãi", cô nói. "Quang cảnh lúc đó thật đáng sợ. Bùn trào lên như một tòa tháp màu đen cao đến tận trời".
Theo thời gian, bùn ướt tiếp tục chảy ra ra từ một điểm duy nhất, làm ngập nhà cửa, ruộng đồng, nhà máy, trong khi dân làng vội vã thu dọn đồ đạc và rời đi. Bùn ướt vẫn không ngừng phun trào kể từ đó. Trong vòng một tháng, ngôi nhà của Muslimah bị ngập hoàn toàn.
Lũ bùn tại Sidoarjo là thảm họa kéo dài nhất mà Indonesia từng phải đối mặt. Hàng năm vào ngày 29/5, những người bị mất nhà cửa lại tổ chức kỷ niệm vụ phun trào.
Những ngôi nhà ở huyện Sidoarjo, Indonesia, ngập dưới lớp bùn lỏng. (Ảnh: Blogspot).
Theo Cơ quan Khắc phục Sự cố Lũ bùn Sidoarjo (BPLS), một tổ chức chính phủ được thành lập vào năm 2007 để giám sát hồi phục sau thảm họa, trong những tháng đầu tiên, miệng núi lửa trung bình phun 98 triệu lít bùn sôi một ngày. Tốc độ này sau đó đã giảm xuống còn 26-57 triệu lít. Trong thập kỷ qua, bùn sôi nuốt chửng 12 ngôi làng, khiến 39.000 người mất nhà cửa. Tại nhiều địa điểm xung quanh nơi xảy ra lụt bùn, khí metan rò rỉ có nguy cơ phát nổ chỉ với một tia lửa, dù theo thời gian, nguy cơ này đang giảm dần.
Không chỉ khách du lịch kéo tới Sidoarjo để tham quan, các nhà khoa học xuất hiện ở đây để đo đạc và thu thập mẫu vật. Cho đến nay, các chuyên gia vẫn tranh luận về nguồn gốc của thảm họa này. Indonesia là đất nước nổi tiếng với hoạt động núi lửa và địa chấn. Một số người cho rằng trận động đất mạnh 6,3 độ richter tại thành phố Jogjakarta cách đó 257km chỉ hai ngày trước vụ phun trào đã kích hoạt thảm họa này.
Nhiều khả năng đơn vị phải chịu trách nhiệm cho thảm họa lụt bùn ở Sidoarjo là Lapindo Brantas, một công ty dầu khí từng khoan tìm khí gas tại địa điểm cách đó 244m. "Chúng tôi tin chắc đến 99% rằng giả thuyết về dàn khoan là hợp lý", New York Times dẫn lời Mark Tingay, một nhà khoa học địa chất tại Đại học Adelaide, Australia, tác giả chính nghiên cứu về lụt bùn công bố trên tạp chí Nature Geoscience năm ngoái.
"Hiện tại, chúng tôi cho rằng bùn sẽ không ngưng chảy. Lúc đầu, nhiều người cố gắng ngăn bùn phun trào. Các nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên đưa ra nhiều kiến nghị, nhưng chẳng có phương án nào thành công", Riko Aditya, người đứng đầu nhóm giám sát các hoạt động tại BPLS, cho biết. "Bây giờ, mục tiêu của chúng tôi chỉ là ngăn không cho bùn chảy tràn ra ngoài".
Khu vực diễn ra thảm họa được bao quanh bởi những con đê làm từ đất nén chặt kéo dài gần 16km. Với nguồn vốn từ công ty Lapindo và chính phủ Indonesia, rào ngăn này được xây dựng, tu sửa và nâng cao sau đó, vì lớp bùn vẫn tiếp tục dâng cao. Vào tháng 7/2015, BPLS ước tính khu vực này chứa hơn 40 triệu m3 bùn, so với 30 triệu m3 trong năm 2010. "Giải pháp duy nhất ở hiện tại là hút bùn", Riko nói.
Một trại nạo vét bùn ra đời tại Sidoarjo. Hút bùn để xả vào sông Porong vẫn là phương án giảm thiểu thiệt hại khả thi duy nhất.
Thảm họa tác động lớn đến môi trường nước. Dewi Hidayati, giáo sư sinh học tại Viện công nghệ tại thành phố Surabaya gần đó, phân tích tỷ lệ sống của cá ở sông Porong từ năm 2010 đến 2013. "Ở phía hạ lưu của vùng nước thải, các loài cá chiếm ưu thế là những loài có thể thích nghi với bùn. Những loài còn lại đã chết hết", Hidayati nói. "Bùn cũng làm thay đổi môi trường sống của chúng. Ví dụ, hiện tại cá đẻ trứng khó khăn hơn do lòng sông phủ đầy bùn. Các loài cá đang chịu nhiều sức ép".
Một số nghiên cứu theo dõi những thay đổi trong môi trường xung quanh khu vực lũ bùn, từ sự đa dạng sinh học đến sụt lún đất. Theo Hidayati, dù gây lo ngại, lũ bùn chưa gây ra ảnh hưởng trực tiếp nào đến sức khỏe con người, nhưng cần tiến hành nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.