Các nhà khoa học phát hiện một vùng tối nằm ở phía bắc Thái Bình Dương có nước biển không chuyển động theo chiều thẳng đứng trong hàng thế kỷ.
Casimir de Lavergne, nhà hải dương học tại Đại học New South Wales, Australia, và các cộng sự phát hiện bên dưới khu vực phía Bắc Thái Bình Dương gặp Ấn Độ Dương khoảng 2km có một "vùng tối", nơi nước biển hẩu như không có bất kỳ chuyển động thẳng đứng nào trong nhiều thế kỷ, theo Science Alert. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 8/11.
"Phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị phóng xạ carbon-14 cho thấy vùng nước biển cổ xưa nhất nằm ở phía bắc Thái Bình Dương có độ tuổi 1.500 năm. Tính đến nay, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để hiểu lý do tại sao nó nằm quanh độ sâu 2km", de Lavergne cho biết.
Vùng tối ở độ sâu 2km bị kẹp giữa dòng chảy nằm gần đáy đại dương do năng lượng địa nhiệt tạo ra và dòng chảy sát bề mặt do gió. (Ảnh: Casimir de Lavergne).
Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích chuyển động nước gọi là sự lưu thông đảo ngược dưới biển sâu (abyssal overturning circulation) do hình dạng đáy biển gây nên. Nó ngăn không cho nước biển có tỷ trọng nặng, nằm ở dưới sâu, lưu thông đến bề mặt.
"Tại phía bắc của vĩ tuyến 32 độ Nam, sự phân bố chiều sâu của đáy biển khiến vùng nước có tỷ trọng lớn ở phía nam chảy về phía bắc dưới độ sâu khoảng 4 km, sau đó dòng nước chảy ngược lại phía nam ở độ sâu lớn hơn 2,5km", nhóm nghiên cứu giải thích.
Điều này nghĩa là tại khu vực phía bắc Thái Bình Dương, có một vùng nước bị cô lập trong khoảng 6.000km từ tây sang đông và 2.000km từ bắc xuống nam. Dòng nước sâu chảy thành một vòng lặp và gần như không bao giờ có cơ hội chạm tới bề mặt.
"Chúng tôi phát triển một lý thuyết để giải thích cho tất cả các quan sát của chúng tôi. Nó chỉ đơn giản phụ thuộc vào hình dạng của đáy biển", Ryan Holmes, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Hệ thống Khí hậu ARC, cho biết.
Do vùng nước mắc kẹt gần như không bao giờ chạm tới bề mặt nên nước biển có nồng độ oxy thấp hơn nhiều so với tầng nước cao hơn. "Đây không phải là vùng nước có sự sống phát triển mạnh mẽ, nhưng không đồng nghĩa nó là một vùng chết", de Lavergne nói.