Wernher Von Braun chế tạo hỏa tiễn.

Vào năm 1931, quân đội Đức tìm kiếm một thứ khí giới mới, có tầm hoạt động xa mà không bị ngăn cấm bởi Hòa Ước Versailles. Hỏa tiễn có thể là thứ khí giới phù hợp với điều kiện trên. Đại úy kỹ sư Walter Dornberger được giao phó trách nhiệm phải viết một bản báo cáo về dự án đó. Ông ta liền tới thăm phi trường hỏa tiễn trong 3 ngày liền, hỏi han các nhà bác học và tham dự các cuộc bắn thử hỏa tiễn. Khi đó, Dornberger đã để ý đến Wernher Von Braun vì nghị lực, vì sự sáng suốt và trí hiểu biết của chàng này. Rồi tất cả kế hoạch về hỏa tiễn được chuyển tới Bộ Tổng tham mưu Đức vào mùa thu năm 1932.

Walter Dornberger & Von Braun

Vào một ngày của tháng 8 năm 1932, Von Braun được mời đến trung tâm thử hỏa tiễn quân sự đặt tại Kummersdorf. Trung tâm này ẩn náu trong một khu rừng thông ở phía Nam thành phố Berlin. Chàng thanh niên 20 tuổi Von Braun trở nên Giám Đốc Kỹ Thuật, Đại úy Dornberber làm Giám đốc quân sự còn ngân quỹ của trung tâm do Bộ binh Đức đài thọ.

Thời kỳ hỏa tiễn thực sự bắt đầu vào ngày 21 tháng 12 năm 1932 tại Kummersdorf. Tại trung tâm nghiên cứu này, các tai nạn xảy ra không phải là ít. Đã có lần Von Braun thoát chết, song quần áo bị rách nát. Ngày 17-5-1933, viên kỹ sư danh tiếng Max Valier đã chết trên vũng máu vì máy điều chỉnh phát nổ trước kỳ hạn và đã phóng một mảnh thép vào ngực ông ta. Ít lâu sau, tiến sĩ Warmke, kỹ sư hóa học, cũng chết tan xác vì thứ thuốc nổ mới phát minh.

Tại trung tâm nghiên cứu này, Von Braun đã say sưa làm việc. Người ta thường thấy ông ngủ trên các họa đồ dang dở: Von Braun đang trù tính làm 2 loại hỏa tiễn, một thứ dài 1,40 mét còn thứ kia cao 3 mét.

Vào một dịp Giáng sinh, Von Braun và nhóm chuyên viên của ông dự lễ trên một hòn đảo nhỏ hẻo lánh tại miền biển Baltique. Đảo Peenemunde này thực là quá hiu quạnh, lại ở vào một vị trí kín đáo, rất xứng đáng là nơi bắn thử vũ khí bí mật.

Từ tháng 8 năm 1936, Bộ Quốc phòng Đức bắt đầu xây cất trên đảo Peenemunde: đường lộ, cầu cống, sân bay, bãi phóng hỏa tiễn, dinh thự, khách sạn cùng các lô cốt… song từ trên máy bay, rất khó mà nhận thấy các kiến trúc này. Có tới hàng ngàn vật lý gia, hóa học gia, kỹ sư, sinh viên, chuyên viên… hoạt động tại đây. Họ làm việc quần quật từ sáng tới tối. Phương châm của họ được khắc trên mặt tiền của trung tâm nghiên cứu: "Các vật lý gia, kỹ sư, kỹ thuật gia là những người tiền phong của Thế Giới Mới". Tại nơi đây, các tai nạn xảy ra thường xuyên nhưng các nhà khoa học cũng giải quyết được nhiều bài toán mới lạ. Các hỏa tiễn càng ngày càng lên cao hơn nhưng điều đó không khiến cho các tướng lãnh Quốc Xã đặt tin tưởng vào. Hitler chỉ hy vọng ở các chiến xa hạng nặng hơn là thứ khí giới mới lạ này. Đã có lần Hitler tới thăm Trung tâm hỏa tiễn Peenemunde mà không nói quá 10 tiếng rồi ra về chán nản.


Căn cứ tại đảo Peenemunde

Sau khi thế chiến thứ Hai bùng nổ, Von Braun cho ra đời một loại hỏa tiễn lên cao được 7,000 mét. Trung tâm hỏa tiễn gửi phim chụp tới Hitler nhưng không được trả lời. Các tướng lãnh cao cấp Đức cũng bắt chước thái độ im lặng của Hitler mà gọi vào quân đội các kỹ sư của Von Braun. Các phương tiện thiếu dần làm cho kết quả trở nên tại hại. Quân đội Đức lại bắt đầu thua ở khắp các mặt trận, vì vậy Hitler hạ lệnh cấp tốc chế tạo hỏa tiễn nhưng sau hai lần mời các thanh tra quân đội tới dự các cuộc phóng thử, hỏa tiễn vẫn không bay nổi. Người nâng đỡ chính thức của Von Braun tại Berlin, Đại tướng Becker, được Hitler gọi đến: ông ta được quyền chọn đến trại tập trung hoặc tự sát. Ông Becker đã tự tử. Còn Von Braun, ông biết rằng nếu sau một lần bắn thử hỏa tiễn nữa không thành, ông sẽ bị xử bắn hay bị bọn Gestapo hành hạ. May mắn thay, lần thử thứ ba đã thành công.

Von Braun

Vào ngày 7-7-1943, Von Braun được phong tặng chức Giáo sư còn Dornberger được thăng chức Thiếu Tướng, rồi hai người được gọi đến văn phòng của Hitler. Nhà độc tài Quốc Xã đã tỏ ra hối tiếc rằng nếu có hỏa tiễn từ năm 1939, có lẽ đã không có chiến tranh. Rồi Hitler ra lệnh cấp tốc chế tạo thứ khí giới báo thù, làm sao san phẳng các thành phố London và New York trong một thời gian ngắn.

Von Braun trở về đảo Peenemunde và được toàn quyền hành động. Đảo này được tăng cường về mặt quân sự cũng như an ninh. Giám đốc Sở tình báo Gestapo đích thân theo dõi sự an ninh trên đảo, các pháo đài canh phòng ngày đêm, chung quanh đảo là các bãi mìn tự động và hàng rào dây kẽm có mắc điện cao thế làm cho hòn đảo trở nên bất khả xâm phạm. Nhưng vẫn chưa hết, người ta còn gạch tên Peenemunde trên bản đồ và khi gọi, lại dùng tên làng kế cận Karlshagen.

Von Braun có 5,000 người dưới quyền. Tất cả các kỹ thuật gia đều gắng sức làm việc để lấy lại thời gian đã mất. Nhưng thứ khí giới bí mật của Von Braun đã bị bọn gián điệp Đồng Minh biết. Các người dân chài Thụy Điển thường kể lại rằng họ thấy các vật lạ bay rất nhanh và phát ra những tiếng động inh tai nhức óc. Có người lại nhặt được các mảnh vỡ trong đó có chứa đựng những phụ tùng điện tử.

London rất lo lắng. Lệnh oanh tạc hòn đảo Peenemunde được ban ra vào cuối tháng 7 năm 1943. Các pháo đài bay Đồng Minh tập dượt rồi đến ngày 17-8 mới lên đường. Đêm hôm đó, hàng ngàn tấn bom đã đổ xuống hòn đảo. Toàn đảo chìm trong biển lửa. Hàng ngàn người chết. Các xưởng vũ khí bị thiệt hại nặng nề. Sáng hôm sau, khi bay quan sát trên đảo, Von Braun đã phải khóc cho công trình của mình.

Một trung tâm hỏa tiễn thứ hai được thiết lập tại Volkenrode trong dãy núi Hartz. Người Đức lại cố gắng làm việc. Loại bom bay được lắp hàng loạt tại hai trung tâm hỏa tiễn. Von Braun cả ngày nghiên cứu loại hỏa tiễn liên lục địa và loại hỏa tiễn phóng đi từ các tầu ngầm. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 1943, Von Braun cũng bị bắt giam trong nửa tháng: Himmler đã tố cáo ông phá hoại vì ông đã chú trọng đến việc chinh phục không gian hơn là tìm cách tàn phá các thành phố London và New York. Tới khi Đại tướng Dornberger phải đích thân xin với Hitler, Von Braun mới được trả lại tự do.

V-2

Từ năm 1942, các chuyên viên của Von Braun đều công nhận rằng không có thứ vũ khí nào chống lại được bom bay. Ngay cả việc làm cho bom bay đi lạc hướng cũng rất khó khăn. Đô Đốc Canaris, Giám đốc Sở phản gián Đức quốc, là người lo xa nên đã phái đi 10 gián điệp có nhiệm vụ đặt các máy vô tuyến phát ra làn sóng ngắn, dấu tại nóc những tòa nhà chọc trời tại thành phố New York. Các máy phát sóng này sẽ hướng dẫn bom bay phóng từ các tầu ngầm Đức nổi tại ngoài khơi Đại Tây Dương.

Các bom bay đã được sẵn sàng từ đầu năm 1944 nhưng Hitler chưa ra lệnh dùng tới. Sau khi xảy ra cuộc đổ bộ của Đồng Minh tại miền Normandie, thứ khí giới bí mật đó mới xuất hiện. Quả bom bay V-1 đầu tiên rơi xuống đất Anh vào ngày 16-6-1944, mở màn cho chiến dịch Vergeltung (Báo Thù). Người Đức đã dùng chữ V để đặt tên cho bom bay.

Nhiều người đã kể lại rằng vào 4 giờ sáng hôm 16-6, một quan sát viên Anh trông thấy một vật sáng bay lại. Vật càng tới gần, tiếng rú của máy càng được nghe rõ, rồi vật đó rơi xuống ngoại ô của thành phố London với tiếng nổ long trời, tàn phá cả một khu vực chung quanh. Thông thường, trong một ngày có tới 200 quả bom bay V-1 rơi xuống đất Anh. Người ta tính rằng chỉ trong vòng 3 tuần lễ, thành phố London đã lãnh chịu hơn 3,000 quả bom. Thủ Tướng Churchill kêu gọi phải sửa đổi phương pháp phòng không. Nhưng phải chờ đợi tới 3 tháng sau, người Anh mới tìm ra cách chống đỡ.

Tới ngày 8-9-1944, loại bom bay V-2 lại bắt đầu tung hoành. Đây là một thứ vũ khí có thể mang 800kg chất nổ tới các mục tiêu xa hơn 2,000 dặm, lại bay với tốc độ siêu thanh tức là một dặm trong một giây, trong khi vào thời kỳ đó, chưa có một hệ thống hoàn hảo nào báo động sự lao tới của bom bay. Hơn 3,000 quả bom bay V-2 đã tàn phá thành phố London và nước Hòa Lan cả ngày lẫn đêm. Thứ khí giới tinh sảo này đã đánh dấu một bước tiến trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Vài năm sau, trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí New Yorker, Von Braun đã nói về thứ khí giới đó: "Tôi thành thực hối tiếc rằng hỏa tiễn của chúng tôi được sinh ra vì một lý tưởng, nhưng lại bị áp dụng vào công việc giết người. Chúng tôi đã vẽ ra hỏa tiễn với mục đích mở đường tới các hành tinh khác, chứ không phải để tàn phá chính Trái Đất này".

Sức tàn phá của V-2

Ngoài bom bay V-1 và V-2 ra, vẫn chưa phải là hết khí giới bí mật. Người Đức còn định dùng một thứ bom khủng khiếp gấp vạn lần : bom nguyên tử. Thực vậy, ngay từ năm 1939, nhà vật lý người Đức Otto Hahn đã thành công trong việc bắn vỡ nhân nguyên tử. Tới năm 1942, ông Otto Hahn đã chế tạo được chất Plutonium. Rồi kết quả của công trình khảo cứu của Otto Hahn trong năm 1944 đã khiến ông đoạt giải thưởng Nobel về vật lý của năm 1945. Tất cả các sự kiện này khiến người ta tin chắc rằng nước Đức đã bắt tay vào việc chế tạo bom nguyên tử.

Vào năm 1945, quân đội Đồng Minh tiến dần vào lãnh thổ Đức. Peenemunde sắp rơi vào tay địch. Von Braun và các chuyên viên hỏa tiễn phân vân không biết chọn phe Dân Chủ hay phe Cộng Sản. Khi Hồng Quân còn cách Peenemunde 100 cây số, Von Braun hạ lệnh tản cư khỏi trung tâm hỏa tiễn: người ta dùng anatol, chất nổ của bom V-2, để phá hủy tất cả các cơ xưởng. Von Braun và đại đa số chuyên viên quyết định tới gặp quân đội Hoa Kỳ. Đoàn xe vận tải chuyển bánh về miền Bavière, băng qua các cánh đồng đầy dân tị nạn. Von Braun, Dornberger và hơn 400 kỹ thuật gia ẩn náu tại miền Allgau, chờ đợi. Lúc đi đường, 5 kỹ thuật gia Đức trốn đi gặp Hồng Quân Liên Xô. 12 năm sau, họ là những người có công đầu trong việc phóng lên không trung vệ tinh Spoutnik. Trong cuộc hành trình di tản, Von Braun bị thương ở cánh tay, phải bó bột nhưng không lúc nào ông rời một gói tài liệu quan trọng, nó chứa đựng một dự án về hỏa tiễn liên lục địa và một dự án về vệ tinh nhân tạo.

--------------------------------------
Trở lại: "Thuở thiếu thời nhà bác học hỏa tiễn Wernher Von Braun"
Đón đọc: "Von Braun - Chương trình không gian"

Theo Vietscienses
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video