WHO cảnh báo nguy cơ không thể chữa khỏi bệnh lậu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra cảnh báo về đề kháng thuốc kháng sinh đang làm cho bệnh lậu nặng hơn và đôi khi không thể điều trị được.

Tiến sĩ Teodora Wi, cán bộ y tế của Cục Sức khoẻ Sinh sản và Nghiên cứu của WHO, cho biết: "Chúng ta sắp có một mối đe doạ về bệnh lậu không thể chữa khỏi trong tương lai. Vi khuẩn lậu là một vi khuẩn rất thông minh. Mỗi khi chúng ta cho ra đời một loại thuốc kháng sinh mới để điều trị bệnh lậu thì sau đó một thời gian vi khuẩn sẽ trở nên kháng thuốc. Đã có những báo cáo cho thấy sự đề kháng với các thuốc trong phác đồ điều trị cuối cùng, đó là cephalosporin và azithromycin, vì vậy chúng ta cần phải cảnh giác nhiều hơn và có những hoạt động hỗ trợ, hợp tác để giải quyết các vấn đề kháng kháng sinh trong bệnh lậu.

Một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập cao, nơi giám sát tốt nhất đang tìm ra trường hợp bệnh lậu không thể chữa được bởi tất cả các thuốc kháng sinh. Những trường hợp này có thể chỉ là đỉnh của tảng băng trôi vì các hệ thống để chẩn đoán và báo cáo các ca nhiễm trùng không thể chữa được đang thiếu ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn".


Ở một số quốc gia đã tìm ra trường hợp bệnh lậu không thể chữa được bởi tất cả các thuốc kháng sinh.

Trong một báo cáo được công bố của PLOS Medicine, Tiến sĩ Wi và các đồng nghiệp lưu ý rằng, có khoảng 78 triệu người mắc bệnh lậu mỗi năm, bao gồm 35,2 triệu ở khu vực Tây Thái Bình Dương, 11,4 triệu ở khu vực Đông Nam Á, 11,4 triệu ở khu vực châu Phi, 11 triệu ở khu vực châu Mỹ, 4,7 triệu ở khu vực châu Âu và 4.5 triệu ở khu vực Đông Địa Trung Hải.

Theo báo cáo của chương trình Giám sát Toàn cầu về chống lại vi khuẩn lậu của WHO, dữ liệu từ năm 2009 đến năm 2014 cho thấy sự đề kháng ciprofloxacin lan rộng với 97% các quốc gia báo cáo các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Ngoài ra, 81% nước báo cáo gia tăng đề kháng đối với azithromycin và 66% báo cáo cảnh báo đề kháng với các cephalosporin phổ rộng (ESCs) - cefixime uống hoặc ceftriaxone tiêm - hiện đang là phương án điều trị lậu cuối cùng. Hiện nay, ở hầu hết các nước, ESCs là loại kháng sinh duy nhất còn hiệu quả để điều trị bệnh lậu. Từ thực tế này vào năm 2016, WHO đã đưa ra cập nhật về điều trị bệnh lậu trên toàn cầu để khuyến cáo các bác sĩ lâm sàng sử dụng hai loại kháng sinh: ceftriaxone và azithromycin.

Trong một bài báo được công bố trên PLOS, Tiến sĩ Balasegaram và các đồng nghiệp đã phác thảo lộ trình nghiên cứu và phát triển để tìm ra kháng sinh mới cho bệnh lậu đa kháng. Có 3 thuốc đang được nghiên cứu đó là: Solithromycin (Cempra Inc), Zoliflodacin (Entasis Therapeutics), Gepotidacin (GlaxoSmithKline). Nhóm nghiên cứu đang thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu với mong muốn giới thiệu ít nhất một trong ba thuốc trên ra cộng đồng.

Còn theo tiến sĩ Marc Sprenger, giám đốc ban thư ký đề kháng kháng sinh của WHO cho biết: "Để kiểm soát bệnh lậu, chúng ta cần những công cụ và hệ thống mới để phòng ngừa, điều trị tốt hơn, chẩn đoán sớm hơn, theo dõi và báo cáo đầy đủ các bệnh nhiễm mới, vấn đề sử dụng kháng sinh, đề kháng và điều trị thất bại”.

Cập nhật: 11/07/2017 Theo SKĐS
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video