Theo một nghiên cứu mới tiến hành bởi ba nhà kinh tế học đến từ đại học Brown, vệ tinh vũ trụ có thể mang lại triển vọng mới về đo tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong một báo cáo nghiên cứu phục vụ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, J. Vernon Henderson, Adam Storeygard và David N. Weil đã đưa ra mô hình mới ước tính giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ bằng cách sử dụng các hình ảnh vệ tinh chụp ánh sáng ban đêm của khu vực.
Ở nhiều nơi trên thế giới, rất khó để có được các dữ liệu đáng tin cậy về tăng trưởng kinh tế – đặc biệt là vùng cận Sahara và các nước đang phát triển khác. Các tác giả đã lấy dẫn chứng từ Penn World Tables, một trong những tài liệu chuẩn về dữ liệu thu nhập của quốc gia, trong đó xếp hạng các nước từ A đến D theo chất lượng của dữ liệu GDP và giá cả. Trong khi hầu các nước công nghiệp đều được xếp hạng A, gần như toàn bộ các nước châu Phi vùng cận Sahara chỉ dừng lại ở hạng C hoặc D, với biên độ sai lệch lên tới 30%-40%. Một vài nước thậm chí không xuất hiện trong bảng đánh giá này, bao gồm: Iraq, Myanma, Somalia, và Liberia.
Để cải thiện những ước tính này, Henderson, Storeygard và Weil đưa ra phương pháp kết hợp các dữ liệu thu nhập theo công bố với những thay đổi về “ánh sáng ban đêm” ở một thành phố khi quan sát qua các hình ảnh vệ tinh chụp từ ngoài vũ trụ. Với việc sử dụng các bức hình chụp từ vệ tinh thời tiết của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, họ đã xem xét các thay đổi về mật độ ánh sáng trong 10 năm. “Việc tiêu thụ hầu hết mọi hàng hóa vào ban đêm đều đòi hỏi phải có ánh sáng,” họ viết. “Khi thu nhập tăng lên, mức sử dụng ánh sáng bình quân đầu người cũng tăng theo, trong cả các hoạt động tiêu dùng và các hoạt động đầu tư.”
Tăng lượng ánh sáng trong đêm đồng nghĩa với mức tăng trưởng kinh tế ở Ba Lan và Đông Âu giữa các năm 1992 (hình trên, bên trái) và 2002. Ba Lan nằm ở góc phần tư phía trên bên trái trong mỗi hình. (Ảnh: NOAA và Cơ quan Dự báo Thời tiết Hoa Kỳ) |
Khi các nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp mới cho thu nhập của các quốc gia có chất lượng dữ liệu thấp, kết quả thu được hoàn toàn khác. Ví dụ, đối với Cộng hòa Dân chủ Công-gô, tính toán về cường độ ánh sáng cho thấy mức tăng trưởng GDP hàng năm là 2,4%, trong khi con số công bố chính thức là -2,6% cho cùng khoảng thời gian trên. Công gô có vẻ đang phát triển nhanh hơn mức công bố. Ngược lại, Myanma được cho là tăng trưởng 8,6% mỗi năm theo số liệu công bố, nhưng dữ liệu về ánh sáng trong đêm chỉ đưa ra mức tăng trưởng GDP hàng năm là 3,4%.
Henderson, Storeygard, và Weil cho biết họ không coi dữ liệu về cường độ ánh sáng là thước đo thay thế cho những con số của cơ quan chuyên trách, nhưng khi được đưa ra cùng những dữ liệu hiện có của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, mật độ ánh sáng có thể cung cấp một chỉ số hoàn thiện hơn về tình hình kinh tế của các quốc gia.
“Chúng tôi hi vọng rằng người ta sẽ bắt đầu sử dụng đến những con số này khi họ không có dữ liệu về tăng trưởng kinh tế… hoặc khi các con số tỏ ra không mấy đáng tin cậy,” Henderson, giảng viên kinh tế học, phát biểu. “Đây chỉ là một cách góp phần đạt tới những ước tính chính xác hơn.”
Phần thứ hai của bài viết đưa ra mối quan hệ nhân quả đầu tiên giữa năng suất sản xuất nông nghiệp địa phương và mức tăng thu nhập ở các thành phố. Qua kiểm tra 541 thành phố ở 18 quốc gia châu Phi trong vòng 9 năm, các tác giả kết luận rằng tăng sản lượng nông nghiệp thực sự có tác động đáng kể đối với hoạt động kinh tế ở các đô thị của quốc gia đó.
Storeygard nói thêm rằng nghiên cứu này thực sự là một công trình của sự cộng tác. Weil nghiên cứu rất rộng về nhiều khía cạnh khác nhau của phát triển kinh tế, trong khi Henderson thường quan tâm tới việc đo mức tăng trưởng ở phạm vi khu vực hoặc địa phương trong một quốc gia. Soreygard có nhiều kinh nghiệm về sử dụng các dữ liệu vệ tinh và địa lý. “Đây là một công trình sử dụng kiến thức ở cả ba lĩnh vực mà chúng tôi nghiên cứu,” Storeygard nói. “Tôi không nghĩ một trong ba người có thể tiến hành công trình này một cách đơn lẻ.”