Xác người có thể ươm mầm sự sống trong vũ trụ

Các nhà khoa học cho rằng xác phi hành gia chết trong vũ trụ trong lúc thực hiện nhiệm vụ có thể thúc đẩy sự sống trên hành tinh khác dưới điều kiện phù hợp.

Xác người có thể truyền vi khuẩn và đóng vai trò như nhân tố xúc tác để sự sống ra đời nếu không bị đốt thành tro trong không khí trong quá trình rơi xuống một hành tinh xa xôi, Gary King, nhà sinh vật học vi khuẩn ở Đại học Lousiana, Mỹ, cho biết trong bài phỏng vấn đăng trên trang Astronomy hôm 24/10. Theo King, vi khuẩn trên xác người có thể sống sót trong môi trường không gian, đặc biệt ở những hành tinh như sao Hỏa.

Với nhiều năm nghiên cứu đời sống vi khuẩn trong môi trường cực hạn, King cho rằng tổ chức sinh vật này có thể sinh tồn dưới điều kiện khắc nghiệt trong vũ trụ. "Chúng tôi từng lấy mẫu vi khuẩn từ lớp đất đóng băng vĩnh cửu và nói về những tổ chức sinh vật vẫn sống sau khoảng một triệu năm ở trong trạng thái chết giả", King chia sẻ.


Xác phi hành gia có thể đưa vi khuẩn tới hành tinh khác và ươm mầm sự sống. (Ảnh minh họa: Alamy).

"Đặc biệt nếu chuyến đi tới nơi nào đó ở gần như sao Hỏa, bào tử vi khuẩn trên xác người chắc chắn sẽ sống sót. Các loài vi khuẩn không có bào tử cũng có thể sống sót. Tôi đang nghĩ tới Deinococcus radiodurans, loài vi khuẩn có thể sống ở mực nước rất thấp với lượng phóng xạ ion cao", Astronomy dẫn lời King.

Việc vận chuyển vi khuẩn thành công phụ thuộc bào ba yếu tố: bảo vệ xác, lưu trữ xác và thời gian bay của xác. Cơ thể phải được bao bọc bên trong tàu vũ trụ hoặc phương tiện nào đó tương tự để bảo vệ vi khuẩn trong hành trình xuyên qua khí quyển. Để chúng lan rộng sau khi tiếp đất, con tàu cần có khe nứt.

Ngoài ra, xác chứa vi khuẩn cần được bảo quản ở nhiệt độ trên mức đóng băng hoặc trong điều kiện đông lạnh khô. Điều kiện thứ hai khả thi hơn nhiều bởi các nhà nghiên cứu nhận định vũ trụ về cơ bản giống như một chiếc tủ đông lạnh khô.

Vi khuẩn cũng có khả năng sống sót cao hơn nếu ở trong hệ Mặt Trời, do càng trôi nổi lâu trong vũ trụ, xác người càng tiếp xúc với lượng bức xạ vũ trụ lớn hơn. Hành trình bay tới những hệ sao khác như Proxima Centauri sẽ hạn chế đáng kể khả năng sống sót bởi bức xạ có thể gây đột biến ở ADN và ARN. "Nhưng nếu bạn chỉ cần duy nhất một trong số hàng loạt vi khuẩn trên xác người sống sót sau chuyến bay, điều đó vẫn có khả năng xảy ra", King nói.

Ngay cả khi tất cả vi khuẩn đều chết khi xác người trôi nổi trong vũ trụ, chúng vẫn có thể dẫn tới sự ra đời của một dạng sống mới nếu gặp điều kiện hoàn hảo. Nếu xác chết đáp xuống một hành tinh có sẵn vài phân tử cơ bản, như phân tử mang năng lượng triphosphates, nó có thể thúc đẩy sự sống hình thành.

"Các phân tử từ xác chết phân hủy của phi hành gia có khả năng cung cấp tiền đề cho một dạng sự sống mới nếu điều kiện môi trường để sự sống ra đời gần như hoàn hảo, chỉ thiếu vài nguyên liệu hoặc mật độ nguyên liệu quá thấp", Jack Szostack, nhà di truyền học từng đoạt giải thưởng Nobel ở Đại học Y Harvard, kết luận.

Cập nhật: 31/10/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video