Sau thời gian dài chìm dưới biển, xác tàu trở thành nơi sinh sống của một quần xã sinh vật đa dạng về loài và phức tạp về cấu trúc.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy 114 loài động vật biển sống trong xác tàu chiến cổ ngoài khơi bờ biển Sicily, Italy, Mail hôm 30/12 đưa tin. Con tàu từ Carthage chìm vào ngày 10/3/241 trước Công nguyên, trong trận thủy chiến gần quần đảo Aegadian, vùng biển phía tây bắc Sicily. Khi đó, đội quân của Cộng hòa La Mã đã tiêu diệt đội quân từ Carthage, chấm dứt Chiến tranh Punic thứ nhất.
Phần mũi nhọn của tàu chiến Carthage chìm cách đây hơn 2.000 năm gần Sicily. (Ảnh: K. Egorov).
Phần mũi nhọn của con tàu có biệt danh là Egadi 13, được phát hiện vào năm 2017 ở độ sâu khoảng 90 m nhờ nhóm nhà khảo cổ biển tại Cơ quan Quản lý Biển Khu vực Sicily và các thợ lặn từ tổ chức Global Underwater Explorers. Phân tích mới hé lộ sinh vật biển sinh sôi mạnh trên đó.
"Xác tàu thường được nghiên cứu để theo dõi sự xâm chiếm của sinh vật biển, nhưng rất hiếm nghiên cứu tập trung vào những con tàu chìm từ hơn một thế kỷ trước", tiến sĩ Sandra Ricci tại Viện Trung tâm Phục hồi (ICR) cho biết.
Ricci cùng đồng nghiệp tìm thấy một quần xã đa dạng loài, phức tạp về cấu trúc và không gian, với 114 loài không xương sống. Trong số này có 33 loài chân bụng, 25 loài thân mềm hai mảnh vỏ, 33 loài giun nhiều tơ và 23 loài động vật hình rêu.
"Chúng tôi suy ra rằng những "thợ xây" chính trong quần xã này là các sinh vật như giun nhiều tơ, động vật hình rêu và một số loài hai mảnh vỏ. Các ống, vỏ và cụm cá thể bám trực tiếp vào bề mặt xác tàu", đồng tác giả Edoardo Casoli, tiến sĩ tại Đại học Sapienza, cho biết.
"Những loài khác hoạt động như "chất kết dính": các cụm cá thể tạo thành cầu nối giữa những cấu trúc do thợ xây tạo ra. Sau đó, có những "dân cư" không bám vào mà di chuyển tự do giữa các hang hốc trong cấu trúc thượng tầng. Tuy nhiên, chúng tôi chưa biết chính xác thứ tự những sinh vật này xâm chiếm xác tàu", Casoli nói thêm.
Những xác tàu mới hơn thường có quần xã kém đa dạng hơn so với môi trường của chúng, chủ yếu là các loài có giai đoạn ấu trùng dài và có thể phân tán xa, theo tiến sĩ Maria Flavia Gravina, thành viên nhóm nghiên cứu. Trong khi đó, Egadi 13 đại diện cho môi trường tự nhiên tốt hơn nhiều. Nó chứa một quần xã đa dạng gồm các loài có giai đoạn ấu trùng dài và ngắn, sinh sản hữu tính và vô tính, những con trưởng thành chuyển động nhiều và ít, sống thành đàn và đơn độc.
"Chúng tôi đã chứng minh rằng những xác tàu cổ xưa như Egadi 13 có thể là một loại công cụ lấy mẫu mới cho các nhà khoa học, đóng vai trò như 'bộ nhớ sinh thái' về quá trình động vật xâm chiếm", Gravina nói.
Egadi 13 được chế tạo từ một khối đồng duy nhất và khắc dòng chữ chưa được giải mã bằng tiếng Punic - ngôn ngữ cổ của người Carthage chỉ tồn tại ở Địa Trung Hải. Mũi nhọn này dài hơn 60 cm, dày khoảng 2,5 cm ở rìa trước và nặng gần 170 kg. Do kết cấu rỗng, các sinh vật và trầm tích đã tích tụ cả bên trong lẫn bên ngoài.