Xe lăn vượt địa hình mang tên TN98

Trong khi các bạn đồng trang lứa đang chạy nước rút cho kỳ thi THPT quốc gia thì Nguyễn Hoàng Ngân và Phạm Thanh Trúc lại miệt mài ở xưởng cơ khí, vật lộn tài liệu kỹ thuật tiếng Anh để tạo ra xe lăn vượt địa hình khá độc đáo.

Ý tưởng xe lăn vượt địa hình nảy sinh khi Hoàng Ngân nhìn thấy ông mình ở quê và những người già trong khu phố vì sức khỏe hạn chế nên chỉ quanh quẩn sau cổng nhà, trong hành lang chung cư. Các cụ cũng muốn đi đó đây, tiếp xúc với láng giềng nhưng ngại phải làm phiền, phụ thuộc người khác.

Từ đó, Ngân muốn làm một chiếc xe để người già, người khuyết tật đi lại thuận tiện, thêm vui vẻ và tự tin.


Hoàng Ngân và Thanh Trúc bên xe của mình - (Ảnh: Huy Hoàng).

TN98

Đó là tên mẫu xe lăn do Thanh Trúc và Hoàng Ngân chế tạo, đoạt giải nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2015-2016 dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam, được tổ chức tại Đồng Nai tháng 3 vừa qua.

Tên xe là TN98, được đặt từ tên viết tắt của Ngân và Trúc cùng năm sinh 1998.

Xe được trang bị bộ điều khiển để xe đi, dừng, rẽ trái, rẽ phải và cảm biến tự điều chỉnh độ nghiêng của ghế. So với nhiều xe cùng loại, TN98 có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển qua các khu vực hẹp như cửa ra vào, hành lang, thang máy, bậc tam cấp...

Thay vì sử dụng bánh tròn như các mẫu xe lăn thông thường, TN98 chạy bằng bánh xích bọc cao su do Trúc, Ngân tự chế. Trong quá trình vận hành, diện tích tiếp xúc giữa bánh xích và mặt đường lớn, áp lực bình quân của xe lên mặt đất giảm, xe đi dễ dàng trên mặt đất lầy lội, nhiều bùn cát.

Trong điều kiện đường sá chưa bằng phẳng đồng bộ ở Việt Nam, xe bánh xích càng phát huy ưu điểm cơ động trên nhiều địa hình.

Ưu điểm vượt trội của TN98 là giúp người dùng có thể lên xuống cầu thang với độ dốc lên đến 300 và các bậc thang cao không quá 25cm. Bánh xích bọc cao su bám chắc vào từng bậc thang, đưa người dùng lên hoặc xuống với vận tốc tối đa 7km/h mà không hề trượt, ngã.

Cách đây không lâu, nhóm sinh viên Thụy Sĩ đã thực hiện ý tưởng này. Nhưng với loại xe đó, người dùng phải quay lưng về phía cầu thang, gây lo lắng, hồi hộp khi lên xuống dốc. Cũng vướng mắc tại điểm đó, nhưng sau nhiều lần thử nghiệm, Hoàng Ngân áp dụng nguyên lý cân bằng động trong khung sắt hình bán nguyệt.

Hệ thống này cho phép ghế ngồi tự động điều chỉnh vị trí, góc nghiêng để thay đổi tâm trọng lực. Khi xe lên cầu thang, ghế đổ về phía trước; khi xe đi xuống, ghế ngả về phía sau. Người ngồi trên xe luôn ở trạng thái thăng bằng.


Xe lăn TN98 leo cầu thang hẹp trong gia đình - (Ảnh: NVCC).

Nguồn cảm hứng cho người mê nghiên cứu

Theo Hoàng Ngân, nếu sản xuất đại trà thì giá thành một chiếc TN98 khoảng 17 triệu đồng. Trong khi đa số xe lăn vượt địa hình trên thế giới có giá trên dưới 300 triệu đồng thì TN98 thích hợp với điều kiện của nhiều người già, khuyết tật ở Việt Nam. Tổng chi phí cho nghiên cứu này là khoảng 20 triệu đồng.

Bên cạnh sự tư vấn chuyên môn của thầy cô, nhà trường còn hỗ trợ hơn 1/3 chi phí để khuyến khích các bạn theo đuổi ý tưởng tới cùng. Đến nay, mẫu xe lăn của Trúc và Ngân đã trải qua bảy đợt cải tiến.

Trong tháng 5 tới, Ngân, Trúc và TN98 sẽ đến Mỹ tham gia hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) 2016 do Tập đoàn Intel Hoa Kỳ tổ chức. TN98 đang được cải tiến theo hướng nhẹ, bền, dễ tháo lắp, tăng hiệu suất động cơ, có khung bảo hộ cho người dùng trong trường hợp va đập, xe lật.

Giải thưởng không phải là mục tiêu cao nhất trong chuyến đi này. Ngân, Trúc xem đây là cơ hội để TN98 lọt vào "mắt xanh" của các nhà tài trợ Mỹ. Sẽ thật lý tưởng nếu có đơn vị chấp nhận đầu tư sản xuất đại trà TN98, nhưng nếu nhà đầu tư chỉ quan tâm, hai bạn sẵn sàng trao đổi ý tưởng bởi mục tiêu cuối cùng của TN98 là vì người già và khuyết tật.

Khích lệ theo đuổi ý tưởng đến cùng

Xe lăn vượt địa hình TN98 là một nghiên cứu ứng dụng, hoàn toàn có thể sản xuất và sử dụng đại trà. Vấn đề chỉ là cần bao nhiêu thời gian và công sức để đạt mục đích đó. Từ nghiên cứu khoa học đến sản phẩm ứng dụng không đơn giản, nhanh chóng như nhiều người hình dung.

Từ kết quả nghiên cứu, phải tạo ra khuôn mẫu và thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm mới tạo ra phiên bản ứng dụng đầu tiên. Nếu nhà sản xuất quan tâm họ sẽ cho sản xuất và sử dụng đại trà.

Ở độ tuổi các em, đam mê nghiên cứu khoa học, thực hành sáng tạo đã là nỗ lực đáng khen, không nên gán cho các em trách nhiệm phải đưa ý tưởng vào đời sống. Các em còn phải học thật nhiều, phải vui chơi, không cần phải canh cánh công việc như người lớn.

Một ý tưởng sáng tạo muốn đi vào đời sống thì đó phải là câu hỏi để đời sống trả lời. Còn ở cuộc thi này, sự đánh giá của ban giám khảo, thậm chí phần thưởng chủ yếu là để khích lệ niềm đam mê và nỗ lực theo đuổi ý tưởng đến cùng của các em.

PGS.TS Trần Văn Lăng 
(Viện Cơ học và tin học ứng dụng, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam)

Cập nhật: 15/04/2016 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video