Kết quả phân tích từ xe tự hành Thỏ Ngọc cho thấy Mặt Trăng từng là nơi có bề mặt sống động và phức tạp hơn so với suy nghĩ trước đây của giới khoa học.
Xe tự hành Thỏ Ngọc khám phá đặc điểm mới của mặt trăng
Xe tự hành Thỏ Ngọc trên Mặt Trăng. (Ảnh: sina.com.cn)
Xe tự hành phát hiện bằng chứng về sự tồn tại của ít nhất 9 lớp đá khác biệt, sâu bên dưới bề mặt nơi nó đổ bộ. Đây là đặc điểm cho thấy khu vực này từng có hoạt động địa chất từ 3,3 tỷ năm trước.
"Có hai điều thú vị, thứ nhất là có nhiều hoạt động núi lửa được xác định trong lịch sử của Mặt Trăng. Thứ hai là khu vực đồng bằng núi lửa không chỉ bao gồm dung nham bazan mà còn có đá do nham tầng núi lửa tạo thành.", NBC News dẫn lời Long Xiao, người đứng đầu nghiên cứu thuộc Đại học Địa chất ở Vũ Hán, nói. Theo Xiao, phát hiện thứ hai có thể làm sáng tỏ về các thành phần bốc hơi trong lớp vỏ Mặt Trăng.
Kết quả được phân tích từ dữ liệu camera và thiết bị radar của Thỏ Ngọc, vốn có thể thăm dò ở độ sâu 400 m dưới bề mặt Mặt Trăng. Thành phần ở khu vực nó hạ cánh khác với những nơi mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hay Liên Xô từng đổ bộ.
Xe tự hành Thỏ Ngọc bắt đầu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu Mặt Trăng từ 15/12/2013. Thỏ Ngọc nặng 120 kg, có thể leo dốc 30 độ và di chuyển với tốc độ 200 m/h. Chiếc xe có 6 bánh, được trang bị 4 camera và hai chân cơ khí, thực hiện nhiệm vụ thu thập các mẫu đất trên Mặt Trăng.
Sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng được coi là niềm tự hào lớn đối với Trung Quốc khi nước này trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Liên Xô, đưa thiết bị tự hành lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.