Trong một sáng chế mới công bố của Không quân Mỹ (USAF), các nhà nghiên cứu gần đây hoàn thành cuộc thử nghiệm bay đối với “phi công robot” trên mẫu phi cơ Cessna 206.
Ngày 9/8, Trung tâm nghiên cứu cải tiến và hàng không vũ trụ DZYNE Technologies của USAF đã kết thúc chuyến bay kéo dài hai giờ đầu tiên của Chương trình chuyển đổi không người lái, có tên gọi “ROBOpilot”.
Cánh tay ROBOpilot gắn trong buồng lái chiếc Cessna 206. (Ảnh: Sputnik).
“Hãy tưởng tượng một máy bay đời cũ như Cessna hoặc Piper có thể chuyển hóa thành một máy bay không người lái, bay tự động mà không cần phải thay đổi vĩnh viễn cấu trúc của chiếc máy bay”, Đài Sputnik trích dẫn lời Tiến sĩ Alok Das - nhà khoa học cấp cao của DZYNE Technologies - trong thông cáo báo chí hôm 15/8.
Cơ chế vận hành của phi công robot “ROBOpilot” bao gồm nhận lệnh từ máy tính sử dụng các bộ phận cảm biến giống hệ thống GPS để “đánh giá tình huống và thu thập thông tin”.
“Hệ thống ROBOpilot gắn trong buồng lái có khả năng cầm hệ thống kiểm soát bay, nhấn phanh, điều khiển tay ga, kích hoạt các công tắc và đọc thông số trên bảng điều khiển, thực hiện mọi động tác như một phi công thực thụ sẽ làm”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Douglas Birkey – Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu không gian Mitchell – cho biết ý tưởng biến những phi cơ cũ thành máy bay không người lái nhen nhóm từ rất lâu. “Trong khi các máy bay cũ có thể không còn là loại phương tiện đảm bảo an toàn cho phi công, sáng kiến này cực kỳ hữu dụng khi được biến chúng thành máy bay không người lái”. Máy bay có thể được trang bị công nghệ ROBOpilot dự kiến bao gồm mẫu F-16 đời cũ.