(17h32 ngày 15/9) Tàu thăm dò Cassini sẽ vỡ tan và cháy trong khí quyền của sao Thổ.
Video xem trực tiếp về "cái chết" của tàu Cassini.
Theo Business Insider, tàu thăm dò Cassini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang thực hiện nhiệm vụ cuối cùng trong nhiệm vụ kéo dài 13 năm, trước khi đâm vào bầu khí quyển của sao Thổ rồi nổ tung thành hàng triệu mảnh vỡ. Cụ thể, con tàu này sẽ bay lại gần mặt trăng Titan khổng lồ để chuyển hướng và được đẩy vào bầu khí quyển của sao Thổ.
Nhà khoa học Earl Maize, người quản lý dự án Cassini cho biết: “Nó sẽ vỡ thành từng mảnh, sẽ tan chảy rồi bốc hơi, và nó sẽ trở thành một phần của chính hành tinh này”. Tất nhiên, NASA không thể nhìn thấy cảnh con tàu thăm dò này bị phá hủy từ khoảng cách lên đến 932 triệu dặm (khoảng 1.500 triệu km), nhưng họ sẽ trình chiếu hình ảnh động về vị trí của Cassini cho tới khi nó... biệt tăm.
Cơ quan vũ trụ NASA cho biết sẽ truyền hình trực tiếp về "cái chết" của Cassini trên YouTube (ở trên) và kênh Ustream (http://www.ustream.tv/channel/6540154). Theo tính toán của các nhà khoa học, Cassini sẽ vỡ tung và bốc cháy lúc 17h32 ngày 15/9 (giờ Việt Nam), tín hiệu cuối cùng của Cassini sẽ được truyền tới Trái Đất lúc 19h56 cùng ngày.
Tàu vũ trụ Cassini là một phần của phi thuyền Cassini-Huygens do NASA hợp tác với Cơ quan Vũ trụ của Ý và Cơ quan Vũ trụ châu Âu thực hiện, bắt đầu được phóng đi từ năm 1997. Trong suốt thời gian qua, Cassini đã khám phá Sao Thổ và tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống quanh đây.
Tàu thăm dò Cassini sẽ bốc cháy trên không gian của sao Thổ.
Cassini-Huygens đã được phóng đi vào ngày 15/10/1997. Sau một chuyến hành trình liên hành tinh dài 7 năm, nó đã đến được quỹ đạo xung quanh Sao Thổ vào ngày 1/7/2004. Tàu đến mặt trăng Titan của Sao Thổ vào ngày 14/1/2005. Tới ngày 25/4, con tàu của NASA và các đối tác đã thực hiện thành công hành trình bay vòng quanh Sao Thổ.
Trong số rất nhiều phát hiện, Cassini khám phá ra vệ tinh lớn nhất của sao Thổ là Titan có những điều kiện phù hợp cho sự sống. Cụ thể là con tàu vũ trụ này đã cho các nhà khoa học biết được có nhiều dấu hiệu của biển, mưa và gió trên Titan. Tuy nhiên, sứ mệnh của Cassini đã đến lúc phải chấm hết, để lại nhiệm vụ dở dang cho những thiết bị mới tiếp tục được phóng lên sao Thổ trong tương lai.