Bản năng của con người là đi theo vòng tròn

  •  
  • 694

Khi không có các tín hiệu chỉ hướng bên ngoài, những người bị lạc thường không đi cách xa điểm xuất phát của họ quá 100 m, bất kể họ có đi trong bao lâu chăng nữa.

Nhiều thế kỷ nay, loài người được cho là có khuynh hướng tự nhiên đi theo vòng tròn. Vào năm 1928, nhà sinh học Asa Schaeffer khẳng định thí nghiệm cho thấy những người bị bịt mắt sẽ đi, chạy, bơi và lái xe theo hình xoắn ốc, một hiện tượng mà ông quy là do “cơ chế xoắn ốc” (spiral mechanism) trong bộ não.

Hoa tiêu hàng không Harold Gatty tin rằng con người đi theo vòng tròn chỉ vì sự bất đối xứng sinh học đơn giản; một chân thường dài hơn và khỏe hơn chân còn lại của ta. “Về cấu trúc giải phẫu, tất cả chúng ta đều thiếu cân bằng”, Harold Gatty viết.

Người dân đi bộ tại mê cung Mandala trên núi Tabor (Mỹ).
Người dân đi bộ tại mê cung Mandala trên núi Tabor (Mỹ). (Ảnh: Mandala).

Năm 1986, nhà sinh học người Na Uy F.O. Guldberg lập luận rằng đi theo vòng tròn là một trong những “quy luật chung” trong sinh học. Ông kể chuyện lũ chim trời chao liệng xoay vòng trước ngọn hải đăng, hàng đàn cá biển sâu xoáy tròn trong ánh sáng từ ngọn đèn thợ lặn, thỏ và cáo chạy lòng vòng để thoát khỏi thợ săn, và những người bị lạc trong sương mù lang thang theo vòng tròn.

Guldberg không coi việc đi vòng tròn là một dạng lỗi. Nguyên tắc di chuyển vòng tròn, ông luận giải, là để đảm bảo rằng khi đi lạc, động vật luôn có thể tìm được đường quay về “nơi sinh ra mà những con vật đang vật lộn để sinh tồn hẳn phải quay lại thường xuyên, dù đó là bầu sữa của bò, đôi cánh ấm áp và sự dìu dắt của gà mái, hoặc là tán cây hay bụi cây che chở được lựa chọn theo bản năng người mẹ”.

Bất kể có muốn hay không, ông nêu ý kiến, chúng ta vẫn đi vòng tròn để tìm đường trở lại nơi chốn thân quen.

Vào năm 2009, một nhà nghiên cứu tên Jan Souman quyết định làm thí nghiệm về bản năng đi vòng tròn. Ông trang bị cho tình nguyện viên thiết bị theo dõi GPS và yêu cầu họ đi theo một đường thẳng qua một vùng đất xa lạ, trong rừng rậm ở Đức hay sa mạc ở Tunisia.

Không có sự hỗ trợ của những tín hiệu chỉ phương hướng, như mặt trời, các đối tượng nghiên cứu quả thật có khuynh hướng vòng về theo lối mòn của chính họ; điều này là đúng.

“Đi thành một đường thẳng nghe thì dễ đấy,” Souman bảo tôi. “Nhưng nếu anh nghĩ kỹ, thực ra việc đó chẳng dễ chút nào”. Giống như chạy xe đạp, đi theo đường thẳng thực chất là một hành động cân bằng phức tạp cần sự điều chỉnh của hệ thần kinh, chính vì vậy mà đó là cách hiệu quả để kiểm tra xem một người liệu có đang say quá.

Các thí nghiệm chuyên sâu hơn cũng loại trừ yếu tố độ dài và khỏe của chân. Souman cũng không tìm ra bằng chứng nào ủng hộ giả thuyết có “bản năng đi vòng tròn lớn hay xoắn ốc, mà là những đường ngoằn ngoèo như nét nguệch ngoạc bút màu của trẻ con". Đôi khi, chúng quay vòng về chỗ cũ - chỗ mà tại đó người đi bộ phát hiện ra một cột mốc quen thuộc, đưa ra kết luận sai lầm rằng họ đang đi theo vòng tròn, và bắt đầu phát hoảng - những người đi bộ hầu như chẳng bao giờ đi vòng về điểm xuất phát cả.

Souman kết luận rằng trung bình, khi không có các tín hiệu chỉ hướng bên ngoài, những người bị lạc thường không đi cách xa điểm xuất phát của họ quá 100m, bất kể họ có đi trong bao lâu chăng nữa.

Cập nhật: 29/04/2024 Znews
  • 694